Hoạt động của ngành

Trà Vinh: Kỷ niệm 100 năm Nhà cổ Huỳnh Kỳ

Cập nhật: 26/08/2024 14:38:04
Số lần đọc: 349
Sáng ngày 24/8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh phối hợp Huyện ủy, UBND huyện Cầu Kè và đơn vị quản lý - Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Kinh doanh khách sạn Sỹ Điền tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Nhà cổ Huỳnh Kỳ tại thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè.


Tham dự hoạt động có các đồng chí: Thạch Bồi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh; Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cầu Kè; Nguyễn Thị Nhiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và huyện Cầu Kè...

Nhà cổ Huỳnh Kỳ (hay còn gọi là Nhà cổ Cầu Kè) được xây dựng vào năm 1924, trong khuôn viên rộng 2.887,6m2, tọa lạc tại Khóm 2, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè.

Đại biểu tham quan kiến trúc bên trong nhà cổ Huỳnh Kỳ.

Đây còn là ngôi nhà có đường nét cổ kính, vật liệu, phong cách trang trí tiêu biểu cho kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, phần lớn tiện nghi trong nhà cũng như cách bố trí và đề tài thì mang phong cách Á Đông - thuần Việt.

Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, ngôi nhà còn là một công trình đặc sắc về điêu khắc và hội họa. Các tượng, phù điêu trên mái, trên các đầu cột, vòm cửa, cửa sổ; các bức họa trên vách, trên trần; cách sử dụng gạch men với nhiều loại hoa văn để trang trí phần sảnh, vách ngoài và sàn nhà đã tạo cho công trình nét độc đáo riêng.

Nhà cổ Huỳnh Kỳ nhìn từ mặt trước.

Với những kiến trúc nghệ thuật nổi bật đó, Nhà cổ Huỳnh Kỳ được UBND tỉnh Trà Vinh xếp hạng Di tích cấp tỉnh - Di tích kiến trúc nghệ thuật tại Quyết định số 1454/QĐ-UBND, ngày 12/9/2011. Đến năm 2018, UBND tỉnh có chủ trương giao Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - kinh doanh khách sạn Sỹ Điền tiếp quản và đầu tư tu bổ, tôn tạo để khai thác, phát triển du lịch.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ Huỳnh Kỳ, tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thị Nhiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè cho biết: trước hết phải giữ nguyên trạng ngôi nhà; cần có phương án bảo vệ và sử dụng di tích hợp lý, đúng mục đích khoa học. Trong quá trình quản lý khai thác, sử dụng có phương án trùng tu, sửa chữa, chống hư hỏng, chống sụp đổ. Tôn tạo thêm cảnh quan (trồng hoa kiểng) trong khuôn viên di tích để thu hút khách tham quan, nghiên cứu.

Khi trùng tu, sửa chữa hay xây dựng các công trình phụ trợ phải đảm bảo giữ được các yếu tố ban đầu của di tích, hài hòa mang tính lịch sử và bản sắc văn hóa dân tộc, đối với các di tích trên địa bàn huyện Cầu Kè nói chung, nhà cổ Huỳnh Kỳ nói riêng. Công tác bảo tồn và tôn tạo, phát huy các giá trị của di tích nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cần có các giải pháp cụ thể, vừa trước mắt, vừa lâu dài để tạo sức sống mới cho di tích, đồng thời phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh, đồng chí Nguyễn Thị Nhiền đề nghị Ban Quản lý Di tích của tỉnh cần xây dựng và bổ sung nội quy, quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đến tham quan, nghiên cứu, học tập vừa bảo vệ di tích; thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo vệ và phát huy di tích; tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân cùng có trách nhiệm bảo vệ di tích. Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu di tích văn hóa, kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ và hình ảnh, con người vùng đất Cầu Kè gắn với Đề án phát triển du lịch của huyện để thu hút khách đến tham quan, lưu trú...

26 học sinh hoàn cảnh khó khăn nhận quà tại buổi lễ.

Dịp này, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Kinh doanh khách sạn Sỹ Điền trao 26 phần quà cho học sinh hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Cầu Kè.

Tin, ảnh: Bá Thi

Nguồn: Báo Trà Vinh - baotravinh.vn - Đăng ngày 24/8/2024

Cùng chuyên mục