Trẩy hội Gầu Tào ở Hà Giang
Chị em trổ tài trong phần thi thêu hoa văn.
Mờ sáng ngày đầu năm, từ mọi nẻo đường, các chàng trai, cô gái, những cụ già, em nhỏ xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất nhanh chân vén màn sương sớm để đi hội Gầu Tào tại trung tâm xã Bản Péo. Gầu Tào là lễ hội độc đáo của người Mông đã có từ lâu đời, thường được tổ chức trong tiết Xuân ấm áp, vạn vật đều sinh sôi, cây cối đâm chồi nảy lộc. Trước đây, Lễ hội Gầu Tào được tổ chức gắn với việc cầu tự, xin thần linh phù hộ cho gia chủ và con cháu mạnh khỏe, có con trai nối dõi tông đường. Dần dần, Gầu Tào trở thành Lễ hội vui Xuân của đồng bào Mông, cầu phúc cho cả bản, làng; mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người người mạnh khỏe, nhà nhà yên vui.
Bắt đầu lễ hội, phần lễ được diễn ra trong không khí trang nghiêm, huyền bí. Các lễ vật cúng, như: Thủ lợn, giấy tiền, ngô, thóc, rượu… đã được bà con chuẩn bị chu đáo từ hôm trước. Sau bài khấn xin phép các vị thần linh, cây nêu được dựng lên giữa một bãi đất bằng phẳng, rộng rãi. Cạnh cây nêu có hai cọc gỗ, bên trên buộc một xà ngang dùng để treo các chùm hạt giống, như: Ngô, thóc, đậu tương, phía trên cây nêu gần với ngọn buộc chiếc lồng có một con gà trống và một chai rượu, tượng trưng cho mong muốn về một năm mới ấm no, đủ đầy. Thầy cúng thay mặt bà con dân bản tiến hành phần nghi lễ huyền bí, cầu xin các vị thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, lúa ngô đầy bồ, lợn, gà béo tốt, dân bản ấm no.
Kết thúc phần lễ, người già, trẻ nhỏ, nam thanh, nữ tú cùng bước vào phần hội trong không khí vui tươi, rộn ràng. Điều thú vị là Gầu Tào ban đầu vốn là lễ hội của người Mông, nhưng nay tất cả các dân tộc sinh sống ở trong vùng đều tham gia khiến ngày hội càng thêm đông vui, náo nhiệt. Đám thanh niên trai tráng ra sức tranh tài trong các phần thi: Leo cột, bắn nỏ, đẩy gậy, đánh cù. Các thiếu nữ mải mê khoe sắc trong những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, cùng nhau đánh yến, hát đối đáp, giao duyên. Trong khi các chị, các mẹ lại rộn ràng trong phần thi thêu hoa văn, thi giã bánh dày, thi đan quẩy tấu... Tiếng nói cười rôm rả khắp một vùng.
Tại lễ hội, nhiều tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc được các chàng trai, cô gái Mông thể hiện, như: Thổi khèn lá, sáo Mông, múa khèn, múa gậy Sinh Tiền. Giữa không gian ồn ã của lễ hội, tiếng sáo trong trẻo cất lên như lời thổ lộ tâm tình của chàng trai với cô gái mình thương. Đàn ông Mông thường mang theo sáo như một người bạn đồng hành, kể cả khi lao động hay trong các dịp lễ hội. Bên cạnh đó không thể thiếu màn múa khèn đặc sắc kết hợp giữa tiếng khèn dìu dặt với các động tác đan chân, nhào lộn đẹp mắt. Màn múa võ cổ truyền cũng thu hút đông đảo người xem bởi những đường võ uyển chuyển nhưng cũng không kém phần rắn rỏi, mạnh mẽ.
Không ồn ào và náo nhiệt như nhiều phần thi khác, phần thi đan quẩy tấu vẫn có sức hút riêng đối với nhiều người. Ở bản Mông, ngay từ khi mới sinh ra, đứa trẻ đã được làm quen với quẩy tấu khi cùng mẹ lên nương, xuống chợ, rồi khi lên 5, lên 6 tuổi đã được người lớn đan riêng cho một cái, và kể từ đó chiếc quẩy tấu cứ chễm chệ trên lưng, cùng họ bước vào đời. Phụ nữ Mông đã có gia đình, mang quẩy tấu thể hiện sự đảm đang, chăm chỉ vun vén cho hạnh phúc gia đình. Con gái chưa chồng mang quẩy tấu như lời khẳng định, hứa hẹn với đám trai bản rằng mình là người ưa lao động, khéo léo, đảm đang... Với nguyên liệu là tre, nứa và dây mây, các nghệ nhân nhanh chóng hoàn thiện chiếc quẩy tấu của đội mình trong tiếng reo hò, cổ vũ của những người xung quanh.
Quá trưa, mặt trời đứng bóng, nắng Xuân tỏa rạng khắp núi rừng, mọi người vẫn say sưa hát đối đáp, giao duyên, ném pao, đánh yến. Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, Lễ hội Gầu Tào còn là điểm hẹn văn hóa của người dân bản địa mỗi dịp Tết đến, Xuân về; để rồi sau những ngày vui Xuân, bà con lại cùng nhau bắt tay vào lao động, sản xuất với niềm tin và hy vọng về một năm mới hạnh phúc, ấm no./.