Trình diễn Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Nhã nhạc cung đình Huế… tại Hà Nội
Giới thiệu âm nhạc chủ đề "Vũ điệu Tây Nguyên". Nguồn: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Trong khuôn khổ chương trình “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”, các loại hình văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh sẽ được trình diễn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), bao gồm: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam; Hát Xoan Phú Thọ; dân ca Quan họ Bắc Ninh; Ca trù; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Nhã nhạc cung đình Huế; Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam; Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Đờn ca Tài tử Nam Bộ.
Giới thiệu âm nhạc chủ đề “Vũ điệu Tây Nguyên”. Nguồn: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Ngoài ra, một số lễ hội, phong tục, tập quán độc đáo của các dân tộc trên cả nước sẽ được tái hiện. Đáng chú ý, Lễ rước nước (phục ruộc) trong lễ hội Kinh Dương Vương của dân tộc Kinh (xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là hoạt động lần đầu tiên được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây là nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh sống động, đặc sắc của cộng đồng cư dân nông nghiệp được trao truyền từ đời này sang đời khác, với ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu nước, cầu mùa màng tươi tốt..., mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai sẽ giới thiệu Lễ bỏ mả (Pơ thi) - lễ tiễn đưa linh hồn người đã khuất về với thế giới của Yàng (trời). Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của dân tộc Gia Rai, quy tụ những giá trị văn hóa đặc sắc. Dân tộc Lào tái hiện lễ mừng lúa mới “Kin Khẩu hó”, thể hiện sự tôn vinh cây lúa, đồng thời tạ ơn các vị thần linh đã luôn che chở, phù hộ cho con người được mưa thuận gió hòa, chăn nuôi cấy trồng tốt tươi, con người khỏe mạnh, bình an.
Dân tộc Khmer tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây và các hoạt động “mừng vui ngày Tết”. Ngoài tôn giáo chính là Phật giáo, người Khmer còn tin rằng mỗi năm có một vị thần trên trời được phái xuống để chăm lo cho cuộc sống của con người trong năm đó, hết năm lại về trời để vị thần khác xuống hạ giới.
Trong dịp này, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn xây dựng 30 gian hàng để các địa phương và doanh nghiệp du lịch quảng bá, xúc tiến du lịch; tổ chức thi đấu, biểu diễn võ thuật cổ truyền; triển lãm, trình diễn nhạc cụ các dân tộc và tổ chức hội nghị “Tổng kết 05 năm tổ chức hoạt động hàng ngày của đồng bào dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam”./.