Trình diễn “Đấu chiêng đôi và dân ca dân vũ của đồng bào Cor”
Nghệ thuật diễn tấu đấu chiêng đôi kết hợp với biểu diễn dân ca, dân vũ mang âm hưởng núi rừng thể hiện sức mạnh, tinh thần thượng võ đồng thời đề cao lòng tự hào về các giá trị nhân văn trong văn hóa truyền thống của người Cor đến từ Thôn Bắc, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.
Chương trình được diễn ra bởi nhiều hoạt động phong phú như: trình diễn múa Cà đấu và cồng chiêng; trình diễn trang phục truyền thống; trình diễn đấu chiêng đôi; đàn hát dân ca và giới thiệu về nghệ thuật đan lát của đồng bào Cor.
Qua các tiết mục biểu diễn này cũng giúp cho du khách và đặc biệt là thế hệ trẻ cùng nhân dân thành phố Đà Nẵng hiểu rõ hơn về văn hoá, phong tục, tập quán, lễ hội đặc sắc của các dân tộc anh em từ đó có ý thức bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống trong thời kỳ đổi mới, hội nhập một cách bền vững, khoa học.
Chương trình được tổ chức tại 24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng gồm 2 buổi: Buổi sáng: từ 9h00 – 10h00 và Buổi chiều: từ 14h30 – 15h30, là một trong những chuỗi hoạt động phục vụ du khách đến với thành phố Đà Nẵng trong sự kiện Lễ hội pháo hoa quốc tế năm nay.
Người Cor cư trú lâu đời ở Tây Bắc tỉnh Quảng Ngãi và Tây Nam tỉnh Quảng Nam, phần đông họ sống tập trung tại huyện Trà Bồng và huyện Trà My. Người Cor thích múa hát, thích chơi chiêng, cồng, trống. Văn hóa cồng chiêng là một trong những thành tố văn hóa đặc sắc và tiêu biểu gắn liền với đời sống văn hóa – xã hội của các dân tộc ở khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên trong suốt quá trình lịch sử. Đấu chiêng đôi là một điển hình mang nét đặc thù riêng biệt nhất trong các lễ hội truyền thống của đồng bào Cor. Nhạc chiêng thật sự đi vào cuộc sống hiện hữu, trở thành hơi thở, máu thịt và cao hơn nữa là đã trở thành đời sống tâm linh của đồng bào Cor. |
Một số hình ảnh tại chương trình:
Trình diễn múa Cà đấu và cồng chiêng
Trình diễn đấu chiêng đôi
Trình diễn trang phục truyền thống
Nghệ thuật đan lát của đồng bào Cor
Xuân Hiếu