Truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống buôn bán ngà voi trái pháp luật tại Việt Nam
Sự kiện do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam phối hợp với Vườn Quốc gia Ba Vì và Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) tổ chức.
Phó Giám đốc CITES Việt Nam Chu Ngọc Quân phát biểu khai mạc sự kiện.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Chu Ngọc Quân - Phó Giám đốc CITES Việt Nam cho biết: Năm 2025 là năm kỷ niệm 50 năm Công ước CITES có hiệu lực và thực thi hiệu quả trên toàn cầu. Cộng đồng quốc tế đều nhất trí rằng CITES là công cụ quan trọng để kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã quốc tế với 185 quốc gia thành viên. Tham gia CITES từ 1994, Việt Nam cũng đã trải qua hơn 30 năm là thành viên của CITES, đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý đầy đủ hơn, đặc biệt đã ban hành Bộ luật Hình sự, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch bảo tồn voi đến năm 2025…
Trong đó, voi châu Á và voi châu Phi đều được CITES bảo vệ ở mức cao nhất ngay từ những ngày đầu Công ước được ký kết. Tại Việt Nam, loài thú này cũng được đưa vào Nhóm I Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Nhưng điều này cũng phản ánh một thực trạng: voi là một trong những loài động vật bị săn bắt, giết hại nhiều nhất trên toàn cầu.
Các đại biểu tham gia chương trình trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ kính yêu.
Việt Nam là một trong số các quốc gia tích cực trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt liên quan đến các loài quý, hiếm như voi, hổ, tê giác, tê tê... Năm 2023 và năm 2024, các lực lượng chức năm đã bắt giữ hàng chục tấn ngà voi nhập khẩu trái pháp luật vào Việt Nam, các lô hàng này được trung chuyển qua nhiều quốc gia trước khi bị bắt giữ. Kể từ khi Bộ luật hình sự được sửa đổi năm 2017, nhiều đối tượng buôn bán trái pháp luật ngà voi bị truy tố, xét xử, thể hiện sự nghiêm minh trong thực thi CITES và pháp luật tại Việt Nam.
Sau Covid-19, hoạt động buôn bán quốc tế về động vật hoang dã có chiều hướng diễn biến phức tạp, đòi hỏi thúc đẩy nỗ lực hợp tác đa ngành trong thực thi pháp luật, ngăn chặn và giảm nguồn cầu, truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về bảo vệ động vật hoang dã...
Để hỗ trợ các hoạt động này, tiếp sau dự án “Giảm cầu ngà voi”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức cho khách du lịch về phòng chống buôn bán ngà voi trái pháp luật tại Việt Nam” do WWF Việt Nam phối hợp với Cơ quan thẩm quyền CITES Việt Nam thực hiện, với mục tiêu Nâng cao nhận thức của du khách về quy định pháp luật của Việt Nam đối hành vi mua bán, tiêu thụ, vận chuyển ngà voi trái phép tại Việt Nam; góp phần chấm dứt các hoạt động mua, bán, vận chuyển ngà voi trái phép khi đi du lịch tại Việt Nam, thực thi hiệu quả Công ước CITES và bảo tồn loài Voi tại Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại sự kiện.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc đánh giá cao và cho rằng đây là một sáng kiến quan trọng nhằm nâng cao trách nhiệm của khách du lịch và cộng đồng làm du lịch, giúp họ nhận thức rõ hơn về tác động tiêu cực của việc tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi.
Ngành Du lịch Việt Nam không chỉ hướng đến sự phát triển về mặt kinh tế mà còn đặt trọng tâm vào trách nhiệm bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Việt Nam là điểm đến du lịch nổi tiếng với hệ sinh thái phong phú và đa dạng, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước mỗi năm.
Tuy nhiên, thực trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi, vẫn đang là một vấn đề đáng lo ngại. Chính vì vậy, chúng ta cần tăng cường các giải pháp để giảm thiểu tình trạng này, trong đó nâng cao nhận thức của khách du lịch và cộng đồng làm du lịch là một biện pháp thiết thực và hiệu quả.
Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc cho rằng, dự án được triển khai sẽ giúp cho du khách hiểu rõ những hậu quả nghiêm trọng của việc tiêu thụ ngà voi, họ sẽ có ý thức hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm hợp pháp, góp phần bảo vệ động vật hoang dã và hệ sinh thái tự nhiên.
Phó Cục trưởng khẳng định thông qua sự kiện này, ngành Du lịch cam kết đồng hành và lan tỏa mạnh mẽ hơn thông điệp về một ngành du lịch xanh, bền vững và có trách nhiệm. Và ông tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ của các bên liên quan, ngành Du lịch Việt Nam sẽ ngày càng phát triển theo hướng bền vững, gắn liền với trách nhiệm bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên.
Giám đốc Bảo tồn của WWF-Việt Nam Thibault Ledecq phát biểu tại sự kiện.
Phát biểu tại sự kiện, ông Thibault Ledecq, Giám đốc Bảo tồn của WWF-Việt Nam nhấn mạnh: Nếu không có hành động kịp thời, chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng của loài voi, một biểu tượng của sức mạnh và trí tuệ. Khi nói tới vấn đề buôn bán ngà voi, chúng ta không chỉ đang nói về một vấn đề môi trường mà còn là một vấn đề văn hóa và đạo đức. Chiến dịch truyền thông phòng, chống buôn bán ngà voi trái pháp luật tại Việt Nam không chỉ nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của việc buôn bán ngà voi trái phép mà còn kêu gọi mọi người tham gia vào nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã. "Chúng ta sẽ tổ chức các hoạt động truyền thông, các buổi hội thảo và sự kiện cộng đồng để cung cấp kiến thức, cảnh báo về những hệ lụy của việc sử dụng ngà voi, cũng như khuyến khích hành động của cộng đồng trong việc bảo vệ loài voi” - ông Thibault Ledecq cho biết.
Trung tâm Thông tin du lịch/Phòng Quản lý lữ hành