Tu Mơ Rông (Kon Tum): Phát triển các sản phẩm từ thế mạnh địa phương
Huyện Tu Mơ Rông có điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp với nhiều loại dược liệu quý, trong đó có một số dược liệu mang tính đặc hữu vùng có khả năng phát triển và mang lại lợi ích kinh tế cho người dân trên địa bàn như: sâm Ngọc Linh, sâm dây, ngũ vị tử, sơn tra. Tuy nhiên, người dân trên địa bàn huyện còn khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình, vẫn còn tình trạng có sản phẩm nhưng không có nơi tiêu thụ hoặc bán với giá cả thấp hơn so với giá thị trường. Từ thực tế đó, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa huyện Tu Mơ Rông giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu giúp các chủ thể sản xuất trên địa bàn huyện hình thành nên các sản phẩm trên cơ sở các ý tưởng và sản phẩm hiện có để tham gia vào chu trình OCOP của huyện, của tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.
Các sản phẩm tham gia đánh giá chương trình OCOP năm 2023 của huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: PN
Được sự khuyến khích, hỗ trợ của huyện, các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đã liên doanh, liên kết, đầu tư máy móc, sản xuất, chế biến các sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Tính đến năm 2022, trên địa bàn huyện có 23 sản phẩm được đánh giá xếp hạng cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên của 12 chủ thể.
Mới đây, đầu tháng 12/2023, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm huyện Tu Mơ Rông đã tiếp tục tổ chức đánh giá, xếp hạng đối với 14 sản phẩm liên quan đến dược liệu, nông sản của 6 chủ thể của năm 2023.
Các sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP gồm: Bột sâm dây Thăng Hoa của Hợp tác xã Cộng đồng phụ nữ Đăk Viên (thôn Đăk Viên, xã Tê Xăng); sản phẩm Trà sâm dây, Cà phê Trần Nghĩa của Công ty TNHH Trần Gia (thôn Mô Pả, xã Đăk Hà); Cà phê đặc sản (cà phê nhân) của Hộ kinh doanh Linh – KWA (thôn Mô Pả, xã Đăk Hà); Rượu ngũ vị tử của hộ kinh doanh Y Phương (thôn Năng Nhỏ 2, xã Đăk Sao); Rượu sâm dây Ngọc Linh An Thành, Trà sâm dây Ngọc Linh, Rượu nếp cẩm An Thành, Rượu ngũ vị tử An Thành, Rượu ngũ vị tử lên men An Thành của Hợp tác xã Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành (xã Đăk Rơ Ông); Rượu quốc tửu K5, Rượu sâm Ngọc Linh K5, Colagen sâm Ngọc Linh Tổ yến Noliko, Tổ yến sâm Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Vingin (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum). Được biết, tất cả các sản phẩm này đều đạt từ 3 sao trở lên.
Là đơn vị có nhiều sản phẩm tham gia đánh giá trong năm 2023 nhiều nhất huyện, chị Cù Thị Hồng Nhung - Quản lý của Hợp tác xã Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành (xã Đăk Rơ Ông) đã có những chia sẻ với chúng tôi, nhận thấy tiềm năng thế mạnh của huyện về dược liệu nên chị cùng các thành viên đã góp vốn thành lập HTX và tận dụng nguồn nguyên liệu ở địa phương đã đầu tư, xây dựng chế biến thành những sản phẩm OCOP từ các loại dược liệu mang đặc trưng của địa phương, từ đó giúp người dân tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập.
Sản phẩm của HTX Cộng đồng phụ nữ Đăk Viên, xã Tê Xăng. Ảnh: PN
Theo chị Nhung, năm 2023 này, hợp tác xã tiếp tục đầu tư thêm máy móc chế biến thêm các sản phẩm và có 4 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Tất cả các sản phẩm này đều có nguồn gốc từ dược liệu, mang đặc trưng của địa phương Tu Mơ Rông. Cả 4 sản phẩm của HTX Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành đều được hội đồng đánh giá của huyện đánh giá đạt 3 sao. Đến nay, HTX Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành đã có 9 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao và là một trong những chủ thể có nhiều sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao trở lên nhiều nhất trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông.
Với Công ty Cổ phần Vingin, các sản phẩm của đơn vị tham gia đợt đánh giá sản phẩm OCOP năm 2023 đều có nguồn gốc dược liệu được trồng và thu mua ở địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Cả 5 sản phẩm đều đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên, trong đó, đáng chú ý sản phẩm Rượu quốc tửu K5 có tiềm năng lớn và đang được xây dựng để đạt chuẩn 5 sao. Công ty và huyện Tu Mơ Rông cũng đang có kế hoạch xây dựng sản phẩm này không chỉ vươn tầm quốc gia mà còn đưa sản phẩm ra thế giới.
Việc phát triển các sản phẩm đặc trưng thành sản phẩm OCOP không chỉ đưa các sản phẩm đặc trưng của Tu Mơ Rông như sâm Ngọc Linh, sâm dây, đương quy, ngũ vị tử, sơn tra đi xa, mà còn tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện phát triển nhanh, bền vững.
Phúc Nguyên