Non nước Việt Nam

Tục thờ tổ nghề rèn sắt ở Hiệp Hoà (Bắc Giang)

Cập nhật: 20/11/2020 08:46:13
Số lần đọc: 1475
Tục thờ tổ nghề là nét đẹp trong văn hóa của người dân làng nghề rèn sắt ở xã Đức Thắng, nay là thị trấn Thắng (Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Qua đó thể hiện lòng biết ơn đối với người có công truyền dạy và mở mang nghề nghiệp đem lại cuộc sống ấm no cho dân làng.

Đình Thắng Núi - nơi thờ Dương Tự Minh

Ngày nay, nghề rèn sắt ở Đức Thắng tuy không còn nhưng tục thờ tổ nghề vẫn được nhân dân địa phương duy trì trong các dịp sự lệ. Nghề rèn sắt ở Đức Thắng có từ lâu đời. Sách Đại Nam nhất thống chí tập IV, mục Bắc Ninh tỉnh chép: “Xã Vân Thắng, huyện Hiệp Hoà có nghề đúc đồ sắt...”. Sách Phong thổ Hà Bắc đời Lê cũng ghi: “Đức Thắng (Hiệp Hoà) làm ra dao, kéo, búa, rìu và các đồ sắt bán khắp thành thị. Hai thôn giữ nghề rèn sắt từ lâu trong vùng Thắng là Liễu Ngoại và Hoè Thị. Ngày nay đào chỗ nào dưới lòng đất cũng gặp quặng sắt, xỉ sắt, xỉ than của lò rèn sắt xưa để lại”.

Tương truyền tổ nghề rèn sắt ở đây là ông Khổng Minh Không, người khai sáng kỹ thuật rèn, đúc kim loại và được nhân dân tôn là tổ sư nghề sắt thờ tại đình làng. Truyền thuyết vị tổ nghề được nhân dân vùng Đức Thắng lưu truyền như sau: Vào thời nhà Lý, trong vùng có người ham võ vật, hội thi vật nào ông cũng tham gia nhưng không đạt được vinh hiển.

Xỉ sắt của làng nghề còn nhiều tại vùng Thắng Núi.

Khi về già không còn đủ sức đi đó đây nữa ông mới chịu ở nhà. Khi ấy người vợ mới hạ sinh được cậu con trai, vốn mang theo uất ức của đời mình, ông đã đặt tên con là Thắng với niềm mong mỏi sau này con vào các cuộc tranh tài sẽ thắng được mọi người. Thắng lớn lên có vóc dáng, sức mạnh hơn người. Sau khi người cha qua đời, Thắng tìm đến phường rèn, làm ăn chăm chỉ lấy tiền nuôi mẹ. Một hôm mẹ Thắng vào rừng kiếm củi bị hổ vồ. 

Nghe tin, lúc đang làm Thắng cầm vội cái thuổng chạy thẳng vào rừng vượt qua đám dân làng, đám thợ săn để xông lên giết hổ cứu mẹ. Chỉ bằng một lưỡi thuổng sắc bén con hổ đã bị ngã vật xuống như khúc gỗ. Cũng thời gian ấy, bọn giặc kéo đến, Thắng đã một mình một lưỡi thuổng xông vào đánh cho quân giặc tan tác nhiều trận. 

Lập được công lớn, nhà vua biết đến mời về triều gả công chúa cho. Triều thần ban cho tấm áo tàng hình, sau đó ông dùng chiếc áo này để cứu giúp mọi người nên được nhân dân rất quý mến. Cũng từ đó mà Thắng nổi tiếng và đã được ghi nhớ trong mỗi người dân làng nghề.

Truyền thuyết về tổ nghề rèn sắt ở Đức Thắng có những dị bản khác nhau song có nhiều điểm trùng với sự tích Thần Dương Tự Minh được thờ ở đình Thắng Núi. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tổ nghề rèn sắt ở Đức Thắng chính là Thần Dương Tự Minh mà dân gian vẫn gọi là Khổng Minh Không.

Tục thờ tổ nghề rèn sắt còn thể hiện rõ qua nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, qua lễ hội truyền thống hằng năm ở địa phương. Đình Thắng Núi thờ Thần Dương Tự Minh - một nhân vật lịch sử dưới thời Lý. Ông cũng là người khai sáng kỹ thuật rèn đúc kim loại và được nhân dân tôn là sư tổ nghề sắt. Hiện nay việc thờ ông tổ nghề vẫn được nhân dân trong vùng Thắng lưu truyền. 

Xuân thu nhị kỳ, một năm tại đình Thắng Núi được mở hội hai lần. Ngày 10 tháng Giêng hội Xuân và ngày 10 tháng 9 hội Thu. Lễ hội truyền thống ở làng nghề thường có những đám rước, tế lễ, các trò chơi dân gian, trong đó có nhiều cuộc thi, trò chơi liên quan đến nghề nghiệp. Theo truyền thống xa xưa, trong ngày hội, những người thợ trưởng thành thường tự tay làm ra các sản phẩm độc đáo để dâng tiến vào đình, đền thờ tổ nghề hoặc bày bán trao đổi trong các phiên chợ quê.

Những người thợ rèn sắt ở Thắng cử ra các chàng trai khoẻ mạnh, rước tượng Khổng Minh Không ra quán Thái Bảo để tổ chức tế lễ. Trong dịp này, các phường rèn trưng bày sản phẩm của mình với đủ loại để bán cho dân từ các nơi về xem hội.

Vào chính hội có lễ tế thần, vui các trò chơi dân gian như đấu vật, thi chạy, cờ người, kéo co, kể chuyện, vật cầu... Tục kể chuyện thành hoàng là nội dung khá độc đáo của lễ hội làng nghề rèn sắt. Người tham gia kể chuyện là những người đạo cao đức trọng, hiểu biết sâu sắc về lịch sử và phong tục tập quán của làng. Qua đó nhằm nhắc nhở mọi người dân nhớ tới công ơn của tổ nghề. 

Sau kể chuyện thành hoàng là đến lễ khao quân mở cỗ, ở giữa sân đình được trải 4 chiếu đỏ, trên bày 4 mâm cỗ đại diện của 4 giáp trong làng. Sau nghi lễ tế của quan cai đám thì 4 chàng trai của 4 giáp trong thế mình trần, khố đỏ, vai vác một đoạn tre còn nguyên rễ đi xung quanh chiếu trình diễn các động tác theo nhịp trống. Nghi lễ này tái hiện lại hình ảnh việc trồng tre trên chiến tuyến sông Như Nguyệt để chặn đánh quân xâm lược Tống xưa kia...

Ngày nay nghề rèn sắt ở Đức Thắng không còn nhưng những nghi lễ truyền thống của một làng nghề vẫn được nhân dân duy trì trong các dịp sự lệ và lễ hội dân gian. Đó là nét đẹp cổ truyền cần được bảo tồn và phát huy.

Đồng Ngọc Dưỡng

 

Nguồn: Báo Bắc Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT