Non nước Việt Nam

Lễ hội Bàn Vương dưới đỉnh Chiêu Lầu Thi

Cập nhật: 23/11/2020 09:33:52
Số lần đọc: 891
Dưới đỉnh Chiêu Lầu Thi hùng vỹ, từ bao đời nay các hộ đồng bào dân tộc Dao đỏ sinh sống quần tụ. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đời sống của người Dao ở cụm xã Nam Sơn, Nậm Khòa, Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) đã có sự đổi thay đáng kể, nhưng vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc mình. Điển hình là Lễ hội Bàn Vương, một lễ hội độc đáo, nhuốm màu tâm linh huyền bí.


Trình diễn nghi lễ cúng Bàn Vương của người Dao đỏ xã Hồ Thầu.

Lễ hội Bàn Vương (Quỹa Hiéng) là lễ hội quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Dao đỏ huyện Hoàng Su Phì, biểu hiện lòng sùng kính Tổ tiên và ước vọng về một cuộc sống thái bình, thịnh vượng. Lễ hội gồm hai phần. Phần nghi lễ được tiến hành vào ngày cuối cùng của năm cũ, tại gian giữa của các gia đình. Vật phẩm dâng cúng gồm: Cơm, gạo, rượu, gà luộc, nước suối, vải mộc màu trắng, hương, vòng  bạc, tiền làm bằng giấy bản, đèn hoặc nến. Người trưởng tộc hoặc trưởng dòng họ đích thân chỉ đạo con cháu lập 3 đàn lễ gọi là: Bứa Hiéng, Sáng Chà Phin, Sám Háng. Sau khi cả 3 đàn lễ được sắp xong thì nghi lễ được tiến hành, phần này thường bắt đầu vào thời gian khoảng 9 giờ sáng. Nếu mời nhiều thầy cúng thì nghi lễ được tiến hành cùng một lúc, ngược lại nếu chỉ có một thầy cúng thì nghi lễ được bắt đầu từ đàn cúng Bứa Hiéng, sau đó là đàn cúng Sáng Chà Phin và cuối cùng là đàn cúng Sám Háng. Theo các nghệ nhân dân gian ở xã Hồ Thầu thì Lễ cúng Bàn Vương phổ biến ở 3 kiểu, gồm: Thứ nhất là lễ lớn, còn gọi là “Tồm Đàng” do người Dao trong một xã cùng đứng ra mổ trâu, lợn tổ chức như một lễ hội; thời gian tổ chức kéo dài vài ngày gồm cả lễ và hội, thường diễn ra vào cuối năm. Thứ hai là “Đàng Ton”, nghĩa là nghi lễ nhỏ được tổ chức trong quy mô dòng họ. Thứ ba là tổ chức cúng Bàn Vương khi gia đình gặp điều không may, như: Ốm đau, dịch bệnh, mất mùa... theo kiểu giải hạn. Dù tổ chức theo cách thức nào thì lễ cúng Bàn Vương cũng thể hiện được tính nhân văn sâu sắc trong cộng đồng người Dao, nhằm thể hiện lòng hiếu kính với ông bà, Tổ tiên; cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và giáo dục con cháu về truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. 

Kết thúc phần lễ, phần hội trong Lễ cúng Bàn Vương luôn là phần được mong chờ nhất với âm thanh sôi động của các loại nhạc cụ và động tác múa uyển chuyển của điệu múa “Bắt Rùa”, tái hiện lại hoạt động sản xuất, sinh hoạt từ thời xa xưa của cộng đồng người Dao do các thầy cúng thể hiện. Đồng thời, người dân và du khách sẽ được trải nghiệm các trò chơi mang đậm màu sắc huyền bí như: Nhảy lửa và Vật chày. Người Dao quan niệm, lửa thắp sáng tâm trí con người, xua tan tăm tối, ma quỷ. Trò Nhảy lửa thể hiện khả năng chế ngự thiên nhiên của con người thông qua việc chế ngự ngọn lửa, đồng thời thể hiện lòng quả cảm của các chàng trai người Dao. Sau khi thầy cúng niệm chú, các chàng trai tham gia Nhảy lửa toàn thân run lên rồi lao vào đám lửa đang rực cháy. Họ dẫm chân trần lên than đỏ, dùng tay bốc tro than mà không hề bị bỏng, tạo nên một màn trình diễn độc đáo.

Cùng với Nhảy lửa thì trò chơi Vật chày cũng mang đậm màu sắc tâm linh huyền bí, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách trong mỗi dịp lễ hội được tổ chức. Trước khi trò chơi diễn ra sẽ có hai người dùng vai để gánh, tỳ vào chiếc chày được dựng đứng dưới đất sao cho thật cân đối. Sau khi thầy cúng “làm phép” chiếc chày sẽ được nhấc lên khỏi mặt đất. Lúc này, ai muốn tham gia trò chơi chỉ cần bám vào chày, cùng ra sức để ghì chiếc chày xuống đất. Theo đồng bào Dao, nếu như tham gia Vật chày có thể làm cho đầu chày bên dưới chạm đất thì xem như thắng. Tuy nhiên, một điều vô cùng bí ẩn, khó giải thích được đó là dù có nhiều người tham gia nhưng không thể nào làm cho đầu chày bên dưới chạm đất được. Chỉ đến khi có người buông tay, hoặc thầy cúng hô dừng lại, thì chày mới rơi xuống. Cứ như vậy, hết lần này đến lần khác, ai tham gia cũng được, không nhất thiết cứ phải là người Dao đỏ. 

Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc cùng các trò chơi mang màu sắc tâm linh huyền bí, Lễ hội Bàn Vương đã trở thành một trong những lễ hội quan trọng nhất trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Dao. Đồng thời, trở thành điểm nhấn đặc biệt thu hút du khách đến với huyện, góp phần thúc đẩy ngành du lịch – dịch vụ của địa phương./.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT