Lưu giữ vốn văn hóa truyền thống dân tộc ở Đắk Lắk
Các cô gái trẻ ở buôn Wiâo A (thị trấn Krông Năng) dùng quả bầu hứng nước mát gùi về buôn sau lễ cúng bến nước.
Đây là một phong tục lâu đời, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào Êđê đang sinh sống tại đây và được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Già làng Y Ơn Mlô, đồng thời cũng là chủ bến nước cho biết, đồng bào Êđê rất coi trọng nguồn nước, coi bến nước là gốc rễ của sự sinh tử. Bởi vậy, bến nước ở đây luôn được giữ gìn cẩn thận với không gian nhiều cây xanh, mang đến nguồn nước trong vắt. Cũng theo ông, hiện nay lễ cúng bến nước đã được tối giản cho phù hợp, nhưng những phần quan trọng vẫn đầy đủ để không mất đi sự thiêng liêng của nó.
Lễ cúng sẽ được tiến hành tại nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của buôn và tại bến nước. Khi ấy, dân làng trong những trang phục truyền thống đẹp nhất sẽ cùng tham gia. Sau khi thực hiện các nghi lễ, mọi người quây quần nhấp môi chén rượu, còn các cô gái trẻ sẽ dùng quả bầu hứng nước mát ở bến gùi về buôn. Lễ cúng bến nước không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước cho người dân, luôn giữ cho nơi này được sạch sẽ, bảo vệ môi trường sinh thái để mạch nước luôn chảy tràn trề.
Cùng với việc duy trì lễ cúng bến nước, người dân buôn Wiâo A còn lưu giữ được 18 bộ chiêng. Hiện trong buôn có 11 nghệ nhân biết đánh cồng chiêng và 4 nghệ nhân biết chỉnh chiêng. Là nghệ nhân đánh chiêng giỏi và am hiểu nhiều loại hình nghệ thuật của dân tộc mình, nghệ nhân Y Wơn Niê (60 tuổi, đội trưởng đội chiêng buôn Wiâo A) vẫn đang ngày đêm miệt mài chế tác nhạc cụ và truyền dạy chiêng cho thế hệ trẻ trên địa bàn huyện Krông Năng. Ông cũng bày tỏ niềm tự hào khi cồng chiêng vẫn còn hiện hữu, vang lên trong những sự kiện trọng đại của buôn làng như: Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc, Lễ cúng bến nước, Lễ trưởng thành...
Không chỉ giữ cho thanh âm của cồng chiêng vẫn còn vang vọng, nhiều năm trôi qua, ở buôn Wiâo A vẫn có những người phụ nữ gắn bó với nghề dệt truyền thống. Hiện trong buôn có bốn người thường xuyên gắn bó với khung cửi để tạo ra những tấm vải thổ cẩm đặc sắc và đưa sản phẩm ra thị trường. Trong đó, bà H’Num Niê dù đã gần bước qua tuổi 70 nhưng vẫn ngày đêm cần mẫn bên khung cửi. Bà chia sẻ: “Từ xa xưa dệt vải được xem là thước đo sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ, bởi thế người phụ nữ Êđê luôn cẩn thận, tỉ mỉ trong khi luồn từng sợi chỉ. Đến nay, trong buôn có rất nhiều chị em biết dệt nhưng vì bận rộn với nương rẫy nên mọi người đành gác khung cửi lại một góc, chỉ khi gia đình có nhu cầu cần sử dụng thì họ mới ngồi vào khung cửi để dệt”.
Bên cạnh những điều đáng tự hào của buôn Wiâo A thì thứ khiến già làng Y Ơn Mlô tiếc nuối là nhà dài ở đây đã dần vắng bóng. Trong buôn chỉ còn lác đác vài ngôi nhà dài, theo thời gian cũng bị mối, mọt nên không giữ được kiến trúc nguyên thủy của nó. Cùng với đó, phần lớn lớp trẻ trong buôn đang thờ ơ với các loại hình âm nhạc dân tộc. Bởi thế ông hy vọng sắp tới, những lớp chiêng được mở tại đây sẽ truyền dạy không chỉ kỹ thuật mà qua đó còn khơi dậy được niềm đam mê cồng chiêng ở lớp trẻ, để thanh thiếu nhi biết trân quý hơn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình./.