Thổ cẩm của người Mạ khoe sắc ở Lễ hội thổ cẩm
Đây là lần thứ hai tỉnh Đắk Nông tổ chức Lễ hội văn hóa thổ cẩm, sau lần đầu tổ chức thành công vào năm 2018. Lễ hội đã tạo được sức lan tỏa, hiệu ứng cao trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thông qua Lễ hội, thổ cẩm Việt Nam đã được quảng bá đến bạn bè quốc tế, thu hút được khách du lịch, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ 2 năm 2020 là sự tôn vinh những giá trị độc đáo và sức sống mạnh mẽ, trường tồn của không gian văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam. Tại lễ hội lần này, Lâm Đồng đã cùng 15 tỉnh, thành trong cả nước mang các loại thổ cẩm đặc trưng tới khoe sắc trên mảnh đất Đắk Nông. Hơn 500 nghệ nhân, vận động viên, diễn viên quần chúng là đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia lễ hội.
Tại Lễ hội lần này, 22 nghệ nhân người dân tộc Mạ ở huyện Bảo Lâm đã tham gia ở cả 3 nội dung gồm: trưng bày triển lãm dệt thổ cẩm, tái hiện lễ hội truyền thống (lễ hội mừng lúa mới của người dân tộc Mạ) và giao lưu nghệ thuật dân gian. Riêng dệt thổ cẩm có hai nghệ nhân Ka Mom và Ka Gon – những người tâm huyết trong giữ gìn nghề dệt của người Mạ.
Trong cộng đồng người Mạ ở Lâm Đồng không phải nhóm địa phương nào cũng có nghề dệt. Đây là nghề mang tính gia truyền và phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu của thị trường. So với các nhóm người Mạ ở địa phương khác, người Mạ ở Lộc Tân (Bảo Lâm) và Bun Go (Cát Tiên) có nghề dệt phát triển hơn cả.
Các tài liệu nghiên cứu cho thấy nghề dệt của người Mạ trước đây chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng cư trú. Sản phẩm dệt của người Mạ dùng để trao đổi, buôn bán với các nhóm địa phương cùng tộc và khác tộc. Tuy nhiên số lượng không lớn. Bởi vậy công việc dệt vải thường chỉ diễn ra trong thời gian nông nhàn, ngoài thời kỳ canh tác nương rẫy. Phụ nữ người Mạ trực tiếp dệt ra các sản phẩm, tuy nhiên đàn ông lại tham gia trau chuốt các công cụ dệt. Bởi vậy sản phẩm dệt của người Mạ chính là sự hài hòa, cộng đồng trách nhiệm giữa nam và nữ. Để có một tấm dệt đẹp dùng làm ùi (váy của phụ nữ), ồi (tấm đắp)… hay quan trọng hơn là tấm vải nghi lễ dùng trong hôn nhân, tang ma, lễ hội… người phụ nữ Mạ phải dành rất nhiều thời gian và tâm huyết. Dệt với người Mạ không chỉ tạo ra những sản phẩm vật chất thuần túy mà đó cò là sự kết tinh giữa đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mĩ.
Trước đây người Mạ dệt từ sợi cây leo mọc hoang trong rừng mang tên Karsi. Sau này họ đã biết trồng và sử dụng bông vải để tạo chỉ nguyên liệu. Mỗi công đoạn của nghề dệt dều có những phức tạp mà không chỉ chăm học hỏi là có thể làm được. Trong đó khâu nhuộm sợi đòi hỏi sự am hiểu cao trong việc pha chế thuốc nhuộm. Những màu nhuộm truyền thống của người Mạ gồm: đen, đỏ, vàng, xanh dương, trắng. Đó là sự kết hợp của những loại cây, lá, củ trong rừng. Dù chủng loại màu sắc không quá phong phú song không thể hạn chế sự sáng tạo thẩm mĩ của người Mạ.
Hoa văn trên các sản phẩm dệt truyền thống của người Mạ là những hoa văn kỷ hà, hoa văn xoáy nước, các con vật, bông hoa… được cách điệu hóa. Hoa văn được phối màu hoàn hảo, chặt chẽ về bố cục, hài hòa về màu sắc, tinh xảo trong cách thể hiện. Sự kì công tỉ mỉ qua đôi bàn tay của người thợ đã tạo tác hoa văn bằng cách đan sợi. Các hình mẫu hoa văn đã “nằm” sẵn trong đầu của người thợ dệt để rồi “lộ” ra qua thao tác của đôi bàn tay. Bởi vậy cùng với sự phối màu, mật độ và độ phức tạp của các hoa văn đã tạo nên những sắc thái riêng biệt của thổ cẩm Mạ. Và trồng bông, dệt vải đã trở thành truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Mạ nói riêng và cư dân Mạ nói chung trên mảnh đất Nam Tây Nguyên.
Sự phát triển ồ ạt của cuộc sống và tiện ích của đồ may sẵn đã phần nào tác động làm mai một dần nghề dệt. Ở những buôn còn giữ được nghề thì có đến trên 70% thợ đã ngoài 50 tuổi. Sự chuyển giao nghề dệt cho con cháu bị chi phối mạnh bởi những thị hiếu thẩm mĩ mới, xu hướng nghề nghiệp của người trẻ và đặc biệt là đầu ra sản phẩm. Vẫn còn những người thợ tâm huyết với nghề dệt nhưng nghề không thể đảm bảo cho cuộc sống. Đó cũng là lý do chính khiến cho nghề truyền thống giàu giá trị này đang dần mai một trong những buôn làng của người Mạ. Việc thổ cẩm của người Mạ khoe sắc trong Lễ hội thổ cẩm lần này, người dân tộc Mạ được tự hào thể hiện nét văn hóa truyền thống quý báu là một trong những tín hiệu tốt đẹp cho tài sản quý giá này được lưu giữ và vươn xa.