Lai Châu: Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số
Cúng thần ruộng trong Lễ hội "Khẩu máy" - cơm mới của dân tộc Lự.
Lai Châu - địa bàn sinh sống của 20 dân tộc, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85%, trong cộng đồng các dân tộc vẫn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa dân gian, được thể hiện trong tín ngưỡng, kiến trúc, văn nghệ, ẩm thực, trang phục và nhiều yếu tố khác. Trước sự giao thoa mạnh của các văn hóa, văn hóa truyền thống không tránh khỏi tác động và nguy cơ bị mai một. Tỉnh ta đã đưa nhiều giải pháp nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đồng chí Tống Thanh Hải – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tỉnh ta chú trọng bảo tồn, phát huy vốn quý văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ đó, nhiều di tích và bảo vật cấp quốc gia đã hoàn thiện hồ sơ để được công nhận. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp cùng địa phương thực hiện hiệu quả Dự án “Bảo vệ cấp thiết văn hóa các dân tộc trong vùng ngập lòng hồ thủy điện Lai Châu”. Quá trình khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc gắn với xây dựng bản du lịch cộng đồng giúp văn hóa dân gian phát huy thêm giá trị. Phát huy giá trị ẩm thực 2 dân tộc: Thái, Giáy và phục dựng các lễ hội văn hóa dân gian tạo điểm nhấn thu hút du khách đã giúp văn hóa dân tộc có thêm sức sống mới giữa cộng đồng.
Với bề dày trầm tích văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, tỉnh ta đã đặc biệt chú trọng bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống, di chỉ khảo cổ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, chủ động phối hợp cùng cơ quan chuyên môn, tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng 5 di tích và 1 bảo vật quốc gia; trùng tu tôn tạo di chỉ khảo cổ học Nậm Tun (huyện Phong Thổ) và địa điểm lưu niệm Vua Lê Thái Tổ tại huyện Nậm Nhùn. Thực hiện dự án khai quật di chỉ khảo cổ học trong vùng ngập lòng hồ thủy điện và Dự án "Bảo vệ cấp thiết văn hóa các dân tộc trong vùng ngập lòng hồ thủy điện Lai Châu", Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận, sưu tầm hơn 31.000 hiện vật. Trong đó, nhiều hiện vật quý của các dân tộc: Dao, Kháng, Hà Nhì, Mông, Si La, Cống và Giáy. Việc sưu tầm hiện vật của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những yếu tố cốt lõi trong lưu truyền văn hóa dân gian.
Khôi phục bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng bản du lịch cộng đồng và phát huy giá trị ẩm thực gắn với du lịch là cách làm sáng tạo, mang lại những hiệu quả thiết thực và cần được nhân rộng trong thời gian tới. Những bản Sì Thâu Chải (Hồ Thầu), Nà Khương, Phiêng Tiên (Bản Bo), Lao Chải 1 (Khun Há), bản Thẳm (Bản Hon) của huyện Tam Đường rồi bản Sin Suối Hồ (Sin Suối Hồ, Phong Thổ)… nét đẹp văn hóa truyền thống được giữ gìn, phát huy đã có sức hút mạnh mẽ với du khách. Anh Tần Pao (Sì Thâu Chải, Hồ Thầu, Tam Đường) cho biết: Thời gian qua, có nhiều du khách lên thăm bản để tìm hiểu những nét đẹp văn hóa truyền thống: trang phục, kiến trúc nhà ở, ngôn ngữ, chữ viết. Chúng tôi rất tự hào vì văn hóa của dân tộc Dao ở Sì Thâu Chải đã góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Cùng với đó, người Thái ở bản Vàng Pheo (Mường So, Phong Thổ) và đồng bào dân tộc Giáy khu vực chợ đêm San Thàng (San Thàng, thành phố Lai Châu) cũng phát huy giá trị ẩm thực và du lịch cộng đồng thu hút khách thăm quan và tạo nguồn thu nhập ổn định. Qua đó, giúp các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn một cách tự nhiên và phát huy vai trò trong đời sống, xã hội.
Để văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được lưu truyền rộng rãi, tăng tính phổ quát trong thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp cùng các địa phương trong toàn tỉnh tổ chức phục dựng nhiều lễ hội. Có thể kể đến Lễ mừng cơm mới của dân tộc Lự, mừng năm mới của dân tộc Hà Nhì và các ngày hội mùa mưa, cúng rừng thiêng của đồng bào các dân tộc: Mảng, Cống, Si La, La Hủ ở một số địa phương của huyện Mường Tè. Ngoài ra còn một số lễ hội đặc sắc khác: “Gầu tào” – cúng cầu may đầu năm mới của người Mông, “Nịn xin” – lấy lộc cầu may nhân dịp đầu năm mới của người Dao (huyện Phong Thổ)… Điều đó góp phần làm sống lại các lễ hội trong cộng đồng.
Anh Lý Công Hòa, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Mường Tè cho biết: Sự giao thoa giữa các văn hóa và mặt trái của công nghệ cũng có những tác động, ảnh hưởng tới văn hóa truyền thống. Thực tế cho thấy, nhiều lễ hội dần mai một trong đời sống cộng đồng, việc tổ chức phục dựng rất có ý nghĩa. Không chỉ góp phần lưu truyền nét đẹp văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho bà con. Một số lễ hội thu hút du khách tới thưởng lãm, góp phần kích cầu du lịch.
Góp phần lưu truyền văn hóa dân gian, thời gian gần đây, tỉnh ta cũng tổ chức nhiều lớp truyền dạy nghề truyền thống, dân ca, dân vũ và tổ chức nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ dân gian. Các hình thức được tổ chức lồng ghép cũng đã phát huy hiệu quả, góp phần lưu truyền, quảng bá và phát huy vốn cổ văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Bùi Chiến