Hoạt động của ngành

Tuyên Quang phát triển du lịch tâm linh gắn với Đạo Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm

Cập nhật: 20/02/2025 14:46:42
Số lần đọc: 54
(TITC) - Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm không chỉ là trách nhiệm của các nhà quản lý văn hóa, của giới nghiên cứu, mà còn là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Làm thế nào để các giá trị này không chỉ được lưu giữ nguyên vẹn mà còn thực sự phát huy vai trò trong đời sống đương đại? Làm sao để các di tích tâm linh vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, vừa trở thành động lực cho du lịch văn hóa bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?. Đây chính là những câu hỏi quan trọng được trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm “Phát huy giá trị truyền thống của đạo Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm trong đời sống tín ngưỡng của người dân Tuyên Quang”.

Toạ đàm: “Phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm trong đời sống tín ngưỡng của người dân Tuyên Quang”

Tọa đàm được UBND Thành phố Tuyên Quang tổ chức vào ngày 19/02/2025 với sự góp mặt của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và các đại biểu.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang Vũ Quỳnh Loan nhấn mạnh: Tọa đàm sẽ mở ra những góc nhìn mới, đưa ra những đề xuất thiết thực để tín ngưỡng thờ Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm không chỉ tiếp tục được bảo tồn mà còn có sức sống mạnh mẽ trong đời sống hiện đại, đóng góp vào sự phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang Vũ Quỳnh Loan phát biểu tại toạ đàm

Nơi hội tụ tinh hoa văn hóa tâm linh

Tuyên Quang là vùng đất thiêng, nơi giao thoa của nhiều dòng chảy văn hóa, lịch sử. Không chỉ là vùng đất gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc, Tuyên Quang còn là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa tâm linh Việt Nam. Trải qua hàng trăm năm, hai dòng chảy tín ngưỡng thuần Việt - Đạo Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm - đã cùng song hành trong đời sống tinh thần của người dân, tạo nên một bản sắc đặc trưng, vừa linh thiêng huyền bí, vừa thuần khiết hướng thiện.

Đạo Mẫu, với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, đã khắc sâu trong tâm thức người Việt một triết lý nhân sinh sâu sắc - đề cao sự che chở, bao dung và lòng biết ơn đối với các đấng thiêng liêng. Không chỉ dừng lại ở tín ngưỡng thờ phụng, Đạo Mẫu còn là biểu tượng của sức mạnh cộng đồng, là nơi để con người tìm đến sự an yên trong tâm hồn, để cầu mong bình an, hạnh phúc. Nghi lễ hầu đồng, một di sản phi vật thể được UNESCO vinh danh, không chỉ là nghi thức tâm linh mà còn là biểu tượng rực rỡ của văn hóa nghệ thuật dân gian, thể hiện sức sống mạnh mẽ của tín ngưỡng dân tộc.

Cùng với đó, Thiền phái Trúc Lâm, do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, không chỉ là một dòng thiền thuần Việt, mà còn là biểu tượng cho tinh thần nhập thế, dung hòa giữa đời sống tâm linh và trách nhiệm xã hội. Triết lý “Cư trần lạc đạo” đã thấm nhuần vào đời sống người dân, giúp họ không chỉ hướng thiện mà còn biết sống hài hòa với thiên nhiên, với chính mình và với xã hội. Hệ thống chùa, thiền viện ở Tuyên Quang không chỉ là nơi hành lễ, mà còn là không gian thanh tịnh để con người tìm về sự tĩnh lặng, tu dưỡng tâm hồn giữa cuộc sống bộn bề.

Chính sự kết hợp hài hòa giữa hai dòng tín ngưỡng này đã góp phần định hình một nét văn hóa đặc sắc của Tuyên Quang. Các đền, chùa, thiền viện nơi đây không chỉ là không gian hành hương, mà còn là những di tích chứa đựng lớp lớp trầm tích văn hóa, lịch sử và tâm linh của dân tộc.

Gắn kết Đạo Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm với phát triển du lịch tâm linh bền vững

Việc phát triển du lịch tâm linh dựa trên hai tín ngưỡng này không chỉ góp phần quảng bá văn hóa địa phương mà còn tạo động lực phát triển kinh tế, thu hút du khách trong và ngoài nước. Để du lịch tâm linh thực sự bền vững, theo PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần có sự cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo tồn các giá trị thiêng liêng vốn có. Việc phát triển các tuyến du lịch gắn với Đạo Mẫu có thể giúp nâng cao nhận thức về giá trị của tín ngưỡng dân gian, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương.

Thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp Tuyên Quang

Xây dựng các tour du lịch kết hợp trải nghiệm thiền, tìm hiểu triết lý Phật giáo Trúc Lâm có thể giúp du khách không chỉ tham quan mà còn có cơ hội tiếp cận và thực hành lối sống thiền trong đời sống hiện đại.

Tuy nhiên, để du lịch tâm linh gắn với Đạo Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm phát triển theo hướng bền vững, cần tránh tình trạng thương mại hóa quá mức, làm mất đi bản chất thiêng liêng của các địa điểm thờ tự. Việc quy hoạch các tuyến du lịch phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến không gian thiêng, giữ gìn sự tôn nghiêm của các cơ sở thờ tự, đồng thời tạo ra những trải nghiệm thực sự có ý nghĩa cho du khách. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn du khách thực hành tín ngưỡng một cách đúng đắn, tránh các hành vi sai lệch như mê tín dị đoan, cầu cúng không phù hợp hoặc lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi.

Đền Thượng, một trong những ngôi đền thờ Mẫu tại Tuyên Quang

Phát triển du lịch tâm linh gắn với Đạo Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm một cách bài bản, khoa học và có định hướng sẽ không chỉ giúp bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần đưa Tuyên Quang trở thành một trung tâm du lịch tâm linh đặc sắc, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa của du khách trong thời đại mới.

Theo PGS.TS. Dương Thị Thu Hà, Viện Trần Nhân Tông (Đại học Quốc gia Hà Nội), Tuyên Quang có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch tâm linh, đặc biệt là thông qua các lễ hội thờ Mẫu và tour du lịch đến thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp hay những ngôi chùa nổi tiếng trên địa bàn. Các hoạt động du lịch này không chỉ giúp tạo nguồn thu cho cộng đồng mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc riêng có của Tuyên Quang, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững thông qua các sản phẩm du lịch cộng đồng, để người dân địa phương trực tiếp tham gia vào sản phẩm du lịch và trở thành những sứ giả văn hoá; có chế tài cụ thể về vệ sinh môi trường, cảnh quan, bảo vệ di tích và Thiền viện; đảm bảo an toàn, an ninh cho khách hành hương, Phật tử về chiêm bái và tham gia các hoạt động du lịch tâm linh, các khóa tu thiền gắn với Đạo Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm.

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Nguyên đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng cho rằng: Phát triển du lịch tâm linh gắn với Đạo Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm một cách bài bån, khoa học và có định hướng sẽ không chỉ giúp bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần đưa Tuyên Quang trở thành một trung tâm du lịch tâm linh đặc sắc, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, trái nghiệm văn hóa của du khách trong thời đại mới.

Sự kết hợp giữa Đạo Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm đã tạo nên một bức tranh văn hóa tâm linh phong phú và đa dạng tại Tuyên Quang. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống này không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 20/02/2025

Cùng chuyên mục