Non nước Việt Nam

Về thăm đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh ở Bắc Ninh

Cập nhật: 10/10/2024 15:06:48
Số lần đọc: 245
Đền thờ Lê Văn Thịnh tọa lạc ở sườn phía nam núi Thiên Thai, nay thuộc thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Đây là nơi tôn thờ, tưởng niệm sâu sắc về Trạng nguyên khai khoa - Thái sư Lê Văn Thịnh, một danh nhân tiêu biểu có công lao to lớn đối với vương triều Lý và đất nước ta. Đền thờ Lê Văn Thịnh được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc Gia và là một trong 14 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.


Khu di tích đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh tại thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu.

Những năm gần đây, mọi người thường nhắc đến Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh hay Đền thờ Đức Thánh Trạng, Đền thờ Quan Trạng, ở thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu với tấm lòng thành kính hướng về bậc hiền tài của đất nước, niềm tự hào vì đó là người con của quê hương Gia Bình.  Di tích này trước đây vốn là nơi ở của gia đình Thái sư sau khi “hóa gia vi tự” mới trở thành nơi vừa thờ Phật, vừa thờ Thái sư Lê Văn Thịnh. Trong lịch sử tồn tại của mình, đền thờ Lê Văn Thịnh mặc dù được khởi dựng từ lâu đời, nhưng mỗi lần xuống cấp đều được địa phương tu bổ ngay, cho nên công trình đến nay còn khá chắc chắn.

Kiến trúc của đền hiện nay còn tòa nhà 3 gian 2 dĩ, theo kiểu kẻ chuyền con chồng kê đấu, hình chữ Đinh, cửa gỗ bức bàn, có 18 cột gỗ. Mái lợp ngói ta, tường nhà xây bằng đá và gạch chỉ. Đền không có đao góc, phía trước có hai cột đồng trụ, sân lát gạch vuông. Trong đền hiện còn lưu giữ rất nhiều tài liệu hiện vật có giá trị. Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh được Bộ Văn hóa Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch) xếp hạng là di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 226/QĐ-BT ngày 5/2/1994.

Thái sư Lê Văn Thịnh sinh ngày 11 tháng 02 năm Canh Dần (1050) tại làng Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Định, nay là huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh - nơi có truyền thống lịch sử vẻ vang lâu đời. Ông nổi tiếng là người thông minh, hiếu học từ nhỏ. Năm 1075, triều đình nhà Lý mở khoa thi Minh kinh Bác học (là khoa thi đầu tiên của Văn Miếu, Quốc Tử Giám ở Thăng Long). Ông đỗ đầu khoa thi, được tôn vinh là Trạng nguyên Khai khoa và được bổ nhiệm làm chức Thị Lang Bộ Binh, phụ trách dạy vua Lý Nhân Tông học. Năm 1084, vua Lý Nhân Tông cử ông đến trại Vĩnh Bình, biên giới Việt Trung (thuộc Cao Bằng ngày nay) để giải quyết vấn đề danh giới giữa hai nước. Với tài ngoại giao xuất sắc của ông, nhà Tống đã phải trả lại toàn bộ lãnh thổ đã chiếm đóng.

Tượng rồng với hình dáng độc đáo “nửa rồng, nửa rắn” trong tư thế “miệng cắn thân, chân xé mình” là bảo vật còn lưu giữ tại khu di tích.

Lê Văn Thịnh là ngươi tài cao, đức trọng, có nhiều công lao với đất nước, được triều đình nhà Lý thăng chức Thái Sư, là chức vụ cao nhất trong triều. Ông là người có tài, liêm chính, có tư tưởng đổi mới nên bị bọn nịnh thần ganh ghét, tìm cách hãm hại, nhưng cũng có nhiều người ủng hộ bảo vệ ông. Năm 1096, ông bị vu oan tội “ hóa hổ giết vua”. Trong buổi luận tội, các quan nịnh thần ghen ghét hùa vào bảo tội giết vua phải xử tội chết và chu di cửu tộc. Có một vị quan văn lên tiếng bảo vệ ông “giết vua xử tội chết vậy giết thầy xử thế nào?” Vì vua luôn kính trọng ông, người thầy uyên bác, trọng đức, trọng tài nên đã tha tội chết cho ông và cho đi đày ở Thao Giang, thuộc vùng đất Phú Thọ ngày nay. Mặc dù bị đi đày nhưng ông vẫn sống cuộc sống có ích cho nước, cho dân. Đến khi già yếu, hơi tàn, sức kiệt ông tìm về quê hương nhưng đến xã Đình Tổ (thuộc Thuận Thành, Bác Ninh) ông chút hơi thở cuối cùng. Khi được tin ông mất, quê hương nội, ngoại của ông và nhiều làng khác đã tôn ông làm Thành Hoàng Làng.

Trong số những di tích thờ Thái sư Lê Văn Thịnh tiêu biểu có đền thờ ông tại Thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu. Đặc biệt trong khu di tích còn có tượng rồng đá (Xà thần) có niên đại thời Lý, bức tượng này đã được công nhận là bảo vật quốc gia theo Quyết định số: 2599/QĐ-Ttg ngày 30/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Bức tượng rồng đá có thân hình lạ và độc đáo, nằm trong tư thế cuộn tròn ngóc cao, miệng ngoạm vào thân, toàn thân có vẩy, đầu không có bờm râu, kích thước rộng 1.37m; cao 0.72m còn khá nguyên vẹn. Hình ảnh của linh vật đã phản ánh được thông điệp của quá khứ gửi lại cho hậu thế về nỗi oan nghiệt của Thái sư Lê văn Thịnh.

Trạng nguyên, Thái sư Lê Văn Thịnh là hiền tài của đất nước. Tên tuổi sự nghiệp của ông mãi lưu danh sử sách và được nhân dân tôn vinh, thờ phụng. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhân dân Đông Cứu và nhiều làng trong và ngoài huyện Gia Bình đã tôn Trạng nguyên - Thái sư Lê Văn Thịnh làm thành hoàng làng để đời đời hương khói phụng thờ tưởng nhớ bậc hiền tài có công với dân với nước. Từ năm 2016, UBND huyện Gia Bình đã có quyết định tổ chức khóa hội thập đình cấp huyện vào các năm Thân, Tý, Thìn tại đình làng Bảo Tháp xã Đông Cứu. Qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, ý thức trân trọng, bảo vệ di tích lịch sử của quê hương. Đồng thời quảng bá hình ảnh, con người, quê hương Gia Bình ngàn năm văn hiến với bạn bè trong và ngoài nước.

Đ.T

Nguồn: Báo Bắc Ninh - baobacninh.com.vn - Đăng ngày 08/10/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT