Về thăm di sản của tiền nhân ở Quảng Nam
Nhà thờ phái 4, chi 2, tộc Trần (Hương Trà, Hòa Hương). Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc
Căn nhà đang sử dụng làm nhà thờ phái 4, chi 2, tộc Trần (Hương Trà Tây) - là một trong những căn nhà được xây dựng cách đây hơn 200 năm. Ông Trần Bá Toán (Chín Dư), sinh năm 1954, là người thuộc đời thứ bảy sở hữu căn nhà này.
Căn nhà được làm bằng gỗ mít, cấu trúc theo kiểu thức “tam gian nhị hạ” (ba gian hai chái). Có tất thảy 30 cây cột, trong đó có 8 cây cột nhất, 10 cây cột nhì và 12 cây cột chái. Các cặp xuyên, trính, đầu hồi... đều được chạm trổ công phu và liên kết chặt chẽ với nhau.
Những tấm hoành phi đặt trang trọng trước bàn thờ Tổ. Ảnh Nguyễn Điện Ngọc
Đặc biệt các vì kèo được làm theo kiểu thức “tam đoạn kẻ chuyền”, thường gọi là kèo tam đoạn, nối với nhau tại các điểm tiếp xúc thông qua các cột nhất, cột nhì và cột chái. Riêng tại điểm tiếp xúc giữa 2 cây cột nhất có con đội “quả bí cánh dơi” chống đỡ liên kết giữa cây trính và vì kèo.
Căn nhà lưu giữ nguyên vẹn dấu tích của người xưa, từ bộ phản gỗ, tủ thờ, bức hoành phi, câu đối cùng những nét hoa văn chạm trổ khá tinh xảo…
Cùng thời điểm xây dựng nhà, Bá hộ Trần Văn Còng cho người trồng cây thị ngay trên khoảng đất rộng trước nhà. Đất tốt cùng với việc chăm bón kỹ, không lâu sau cây thị đã có tán to, rộng, là chỗ để dân làng dừng chân nghỉ mát trong những ngày hè nắng nóng.
Cây thị 200 năm tuổi phủ xanh cả một góc trời. Ảnh Nguyễn Điện Ngọc
Đến mùa trái thị chín, hương thơm tỏa ra khắp nơi. Tiền nhân trồng thị không chỉ mang ý nghĩa sâu sắc về mặt tâm linh và có phong thủy đẹp mà còn mong con cháu trong gia đình, dòng tộc có được tiếng thơm muôn thuở.
Trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt, cây thị của ông Còng vẫn đứng vững. Cây thị hiện xanh tốt, cao hơn 30m, đường kính gốc gần 1,5m, tán rộng 30m.
Ông Chín Dư kéo dây đo chu vi gốc cây thị. Ảnh Nguyễn Điện Ngọc
Bà Nguyễn Thị Nhẫn, 75 tuổi, khối phố Hương Trà Tây cho biết, cây thị của Bá hộ Trần Văn Còng đã gắn liền với tuổi thơ của những người cùng thời. Từ đầu tháng Sáu đến rằm tháng Bảy âm lịch trái thị chín vàng mọng tỏa hương thơm khắp làng.
Với công lao to lớn của Bá hộ Trần Văn Còng, Thượng thư Bộ Lại Trần Văn Thủ, tiếp đến Trần Văn Tước (Hương Ngận), Trần Văn Lang, Trần Văn Lưu (Bá Lưu), Trần Văn Sang, Trần Bá Toán... nối tiếp nhau giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa vật thể.
Những “báu vật” này có thể đóng góp vào công cuộc phát triển du lịch của TP.Tam Kỳ theo hướng du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí, trải nghiệm văn hóa, lịch sử như đề án phát triển du lịch của thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nguyễn Điện Ngọc