Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Du lịch và Giao thông vận tải ASEAN
Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Du lịch và Giao thông vận tải ASEAN diễn ra từ sự thống nhất của các Bộ trưởng Du lịch ASEAN về tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ với Ngành Giao thông Vận tải tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 26 diễn ra vào ngày 4 tháng 2 năm 2023 tại Yogyakarta, Indonesia.
Hội nghị tại điểm cầu Bộ VHTTDL (Ảnh: TITC)
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Ngam-pha-sỏng Mu-ông-ma-ny, Bộ trưởng Bộ Công trình Công cộng và Giao thông vận tải Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào nhấn mạnh, Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích tạo dựng sự hiểu biết chung về vai trò của các cơ quan chuyên ngành trong việc thúc đẩy và hỗ trợ các sáng kiến của ASEAN nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch; Đồng thời, trao đổi quan điểm về cách các cơ quan ngành liên quan có thể mở rộng quy mô phối hợp và hợp tác liên ngành, đồng thời tạo ra cách tiếp cận có hệ thống, tích hợp và chặt chẽ hơn để thúc đẩy công việc của Trụ cột ngành, đặc biệt trong việc giảm thiểu các vấn đề cấp bách liên quan đến ngành du lịch và vận tải sau dịch bệnh; từ đó, đưa ra sự thúc đẩy và phân công cấp cao cần thiết cho hoạt động tập thể nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả các sáng kiến trong Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN (ATSP) 2016-2025 và Kế hoạch Chiến lược Giao thông Vận tải ASEAN/Kế hoạch Chiến lược Giao thông Vận tải Kuala Lumpur 2016-2025.
Hội nghị thảo luận các nội dung, bao gồm: Các lĩnh vực hợp tác có thể thực hiện bao gồm các giải pháp cải thiện khả năng tiếp cận các điểm đến ưu tiên nhằm khuyến khích hoạt động du lịch trong nội khối ASEAN; Giải pháp để Giao thông vận tải và Du lịch có thể hỗ trợ tạo thuận lợi cho việc đi lại, ví dụ như: Tăng cường hợp tác khu vực trong việc phát triển các chính sách và chiến lược bền vững liên quan đến giao thông; Mở rộng quy mô phối hợp và hợp tác liên ngành thông qua việc thành lập Nhóm công tác đặc biệt bao gồm các đại diện được chỉ định từ các Cơ quan Du lịch Quốc gia (NTO) ASEAN và Hội nghị Quan chức cấp cao Giao thông vận tải (STOM) ASEAN.
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại thành phố Luang Prabang, Lào và trực tuyến (Ảnh: TITC)
Cập nhật về tình hình phục hồi của ngành hàng không và tàu biển Việt Nam tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho biết, hiện tại, ở Việt Nam, có 64 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác thị trường quốc tế với trên 169 đường bay quốc tế kết nối 28 quốc gia và vùng lãnh thổ; cùng với hệ thống cảng biển hành khách quốc tế hiện đại, có khả năng đón các tàu lớn có sức chứa tới 6.000 du khách. “Chúng tôi cũng đang tích cực cải thiện cơ sở hạ tầng của các sân bay, cảng biển và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch. Đồng thời, đầu tư xây dựng mới sân bay, cảng biển quốc tế tại một số trung tâm du lịch quan trọng và điểm đến tiềm năng để đáp ứng nhu cầu du lịch tăng trưởng trong thời gian tới.” Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chia sẻ.
Tháng 8/2023, Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra chính sách thị thực mới, kéo dài thời hạn lưu trú cho các thị trường được Việt Nam miễn thị thực và chính thức áp dụng thị thực điện tử cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, kỳ vọng sẽ tạo điều kiện du lịch thông suốt hơn cho khách du lịch quốc tế.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam nhận định, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, và đặc biệt có mối liên hệ chặt chẽ với ngành giao thông vận tải. Giao thông phát triển và khả năng kết nối thuận tiện, thông suốt chắc chắn sẽ tạo điều kiện thu hút khách du lịch. Qua hai bài trình bày của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế và Hiệp hội các hãng Tàu biển Quốc tế, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương bày tỏ vui mừng khi nhu cầu di chuyển của khách du lịch trên đường hàng không và đường biển đang phục hồi ổn định sau đại dịch. Mạng lưới đường bay kết nối nội khối ASEAN cũng như với các khu vực bên ngoài đang dần được mở lại với tần suất cao hơn, một số đường bay mới tới các điểm đến tiềm năng cũng đã được khai thác đưa vào hoạt động. Du lịch tàu biển chưa hoàn toàn phục hồi, tuy nhiên các tuyến hành trình đường biển cũng đã dần nhộn nhịp trở lại, nhiều chuyến tàu cập cảng hơn và đạt công suất cao hơn so với năm trước.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương tại Hội nghị (Ảnh: TITC)
Về định hướng tương lai cho các sáng kiến liên ngành, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phục hồi của ngành du lịch và giao thông vận tải như tăng cường kết nối hàng không ngay trong ASEAN, tăng tần suất và mở thêm các đường bay thẳng giữa các thủ đô và thành phố lớn của các nước thành viên để thực sự xúc tiến du lịch nội khối và tiết kiệm thời gian đi lại cho khách du lịch. Nâng cao chất lượng đội ngũ lao động và dịch vụ du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu khách tăng lên sau đại dịch. Hướng tới phát triển du lịch bền vững, tăng cường hợp tác công-tư để triển khai các sáng kiến mới về giảm thiểu phát thải ròng bằng không và trung hòa carbon.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương tin rằng với sự tham gia của các Bộ trưởng/Trưởng đoàn cũng như đại diện từ khối tư nhân trong khu vực, Hội nghị sẽ thảo luận, đưa ra những giải pháp và định hướng hợp tác phù hợp cho cả hai ngành, bởi du lịch và giao thông luôn có mối quan hệ chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau để cùng phát triển. Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với ngành du lịch và giao thông vận tải của ASEAN để đẩy mạnh phục hồi du lịch, tăng cường lưu lượng, tần suất các chuyến bay và mở rộng hành trình đường biển.
Tại Hội nghị, việc thành lập Nhóm công tác đặc biệt và giao Ban Thư ký ASEAN xây dựng Điều khoản tham chiếu cùng với Cơ quan Du lịch Quốc gia (NTO) ASEAN và Hội nghị Quan chức cấp cao Giao thông vận tải (STOM) ASEAN để các Bộ trưởng Du lịch và Giao thông vận tải ASEAN phê duyệt được tiến hành. Hội nghị cũng thảo luận và thông qua Tuyên bố Bộ trưởng chung của Hội nghị giữa Bộ trưởng Du lịch và Giao thông vận tải ASEAN; Cũng như xem xét và thông qua Báo cáo Hội nghị Bộ trưởng Du lịch và Giao thông vận tải ASEAN được tổ chức vào ngày 10 tháng 11 năm 2023 tại Luang Prabang, CHDCND Lào.
Trung tâm Thông tin du lịch