Hoạt động của ngành

Vĩnh Long: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

Cập nhật: 04/07/2023 14:00:48
Số lần đọc: 499
Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long luôn chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch bền vững.


Vĩnh Long phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện ở khu vực ĐBSCL. Ảnh: Bách Thảo

Nhu cầu mang tính cấp thiết

Theo TS Phan Văn Phùng- Trường ĐH Cửu Long, nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL với cảnh quan sông nước, vườn cây ăn trái, Vĩnh Long có nhiều thế mạnh phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Trong thời gian tới, Vĩnh Long phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện ở khu vực ĐBSCL.

Để thực hiện mục tiêu này, TS Phan Văn Phùng khẳng định, ngoài nguồn vốn, tài nguyên thì nguồn lực con người giữ vai trò trung tâm. Bên cạnh những ưu thế như lực lượng lao động dồi dào, chịu khó,... còn những hạn chế cũng không nhỏ, nhất là về năng lực người lao động.

Một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong vùng chưa quan tâm nhiều đến việc đào tạo nhân viên để nâng cao năng lực, các cơ quan quản lý du lịch vùng vẫn chưa có cơ chế giữ chân người giỏi, dẫn đến thiếu đội ngũ cán bộ quản lý chất lượng cao.

Vì vậy, việc nâng cao năng lực nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển đang là nhiệm vụ cấp bách.

Để đáp ứng nhu cầu nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch ngày càng phát triển, tỉnh đã đa dạng hóa các hình thức đào tạo, tăng cường ứng dụng khoa học- công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và có cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành du lịch hiện nay.

Bên cạnh việc bồi dưỡng chất lượng đội ngũ hướng dẫn, thuyết minh viên thông qua các khóa học nâng cao trong và ngoài tỉnh, hàng năm, Sở Văn hóa-TT-DL cũng mở nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn cho các đối tượng làm trong lĩnh vực du lịch để nâng cao chất lượng một cách đồng bộ và toàn diện.

Việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh những năm gần đây đã và đang đem lại nhiều kết quả tích cực.

Tính chuyên nghiệp đang được thể hiện từ phong cách phục vụ của người lái xe, đến những nhà quản lý, hướng dẫn viên và lễ tân nhà hàng, khách sạn... 

Đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao

TS Phan Văn Phùng cho biết, yêu cầu đối với lao động trong du lịch là kiến thức, kỹ năng và hành vi. Khách du lịch thực hiện chuyển du lịch với nhiều mục đích nhưng một trong những mục đích phổ biến là nâng cao hiểu biết.

Để đáp ứng được yêu cầu này của khách du lịch, đòi hỏi những người trực tiếp phục vụ du khách như hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch, nhân viên trong các cơ sở dịch vụ phải có kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực khác nhau như địa lý, phong tục tập quán, lịch sử, văn hóa.

Ngoài kiến thức, nhân viên làm việc trong du lịch còn yêu cầu cao về kỹ năng và hành vi, thái độ. Bên cạnh đó, cũng cần yêu cầu về sức khỏe.

TS Nguyễn Diễm Phúc- Trưởng Bộ môn Du lịch Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, cho biết, hòa cùng xu thế phát triển và nhu cầu lực lượng lao động du lịch cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng, qua 5 năm hình thành và phát triển, ngành Du lịch của trường đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Trường có 5 chương trình đào tạo hệ chính quy và vừa làm vừa học các chuyên ngành: Du lịch, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, chương trình đào tạo liên kết 2+2 với Trường ĐH Tongmyong (Hàn Quốc). Tổng số sinh viên đang theo học ngành Du lịch khoảng 400.

Hiện nay khóa sinh viên đầu tiên đã tốt nghiệp và khoảng 90% tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Đội ngũ hướng dẫn, thuyết minh viên có vai trò quan trọng giới thiệu nét đẹp văn hóa, con người địa phương.

Trong phương hướng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, trường định hướng hình thành trung tâm kinh doanh lữ hành và khách sạn nhà hàng đạt chuẩn từ 3 sao tại trường cho sinh viên thực hành, phục vụ nhu cầu du lịch tỉnh Vĩnh Long, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà trường.

Từng bước chuyên môn hóa và đặc thù hóa chương trình đào tạo: nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên bộ môn; từng bước cập nhật chương trình đào tạo theo hướng thực tế hóa yêu cầu doanh nghiệp du lịch…

Chỉ ra một số bất cập của đào tạo nhân lực du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, để đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển du lịch, vấn đề đặt ra trong đào tạo nhân lực du lịch là đảm bảo cơ cấu hợp lý, đủ chất lượng, số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập.

Chính vì vậy cần có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực du lịch, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, lành nghề, đào tạo đa dạng, đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo nhân lực du lịch. Bên cạnh đó cần chú trọng đào tạo kỹ năng mềm, tăng cường năng lực các cơ sở đào tạo…

Trước sự suy giảm nguồn nhân lực du lịch do tác động của dịch COVID-19, phục hồi lại nguồn nhân lực du lịch là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay, yếu tố then chốt làm tăng khả năng cạnh tranh và sự sống còn của thị trường du lịch.

Bài, ảnh: Phương Thư

Nguồn: Báo Vĩnh Long - baovinhlong.com.vn - Đăng ngày 02/07/2023

Cùng chuyên mục