Hoạt động của ngành

Xây dựng Việt Trì (Phú Thọ) trở thành thành phố lễ hội

Cập nhật: 09/07/2020 08:14:28
Số lần đọc: 796
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 817/QĐ-TTg năm 2020 phê duyệt mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030; thành phố Việt Trì đang có thêm động lực mới để thực hành các di sản văn hoá độc đáo của mình. Đáp ứng nhu cầu văn hoá tín ngưỡng của nhân dân Đất Tổ nói riêng và của dân tộc Việt Nam.

Hát Xoan – Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại đã được UNESCO công nhận

Căn cứ vào các thư tịch cổ, các cuộc khai quật và ý kiến kết luận của các nhà khoa học cùng với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tồn tại ở khắp các làng, xã trên địa bàn thành phố với nhiều loại hình như: di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích cách mạng kháng chiến, các lễ hội truyền thống, các loại hình văn nghệ dân gian... Qua đó, khẳng định giá trị sâu sắc, to lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và nhân văn của thành phố Việt Trì trong hệ thống di sản văn hóa vùng Ðất Tổ. Ðặc biệt, Khu di tích lịch sử Ðền Hùng, nơi thờ phụng các Vua Hùng và các bậc tiền nhân - là di tích quan trọng bậc nhất Quốc gia đã và đang trở thành điểm đến mang yếu tố tâm linh, tín ngưỡng, đậm tính nhân văn và truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam. Trong đó có hai di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Với tiềm năng và lợi thế to lớn để tạo dựng và hình thành môi trường văn hoá mang đặc trưng Đất Tổ, Việt Trì đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để quy hoạch, hình thành và phát triển không gian lễ hội bảo đảm kết hợp hài hòa với không gian phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện tại của thành phố là khôi phục, duy trì và phát huy các di tích, di sản văn hoá và lễ hội truyền thống. Trong đó, tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học về các giá trị văn hoá và giá trị các lễ hội truyền thống; nhận diện và kiểm kê sự phát triển của di sản văn hoá hát Xoan.

Tổ chức các lễ hội văn hoá dân gian trong khuôn khổ các hoạt động Lễ hội Đền Hùng.

Để làm được điều đó, Việt Trì đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Tổ chức nhiều cuộc thi, lấy ý kiến người dân trên các trang thông tin chính thống như Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh để khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân. Tầm nhìn xa hơn là tận dụng lợi thế công nghệ thông tin và truyền thông để quảng bá, giới thiệu các giá trị độc đáo di sản văn hoá Đất Tổ với các hãng truyền thông quốc tế.

Hiện tại, Việt Trì đã xây dựng không gian trung tâm lễ hội từ Khu di tích lịch sử Đền hùng – Trung tâm thành phố - Bến Gót, Bạch Hạc. Bên cạnh đó, các phường, xã và khu dân cư có kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường; đồng thời tạo dựng môi trường sinh thái chất lượng nhằm tăng cường cảnh quan du lịch, tận dụng không gian xanh để phát triển các khu chức năng dịch vụ. Công viên Văn Lang cùng các công trình công cộng khác đã và đang được hoàn thiện cùng với quy hoạch kết nối liên hoàn hệ thống cây xanh đô thị, cây xanh tự nhiên xung quanh. Thời gian tới, theo Quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, Khu di tích lịch sử Đền Hùng sẽ tiếp tục được triển khai xây dựng với nhiều hạng mục; các kết cấu hạ tầng đô thị và mạng lưới giao thông tiếp tục được hoàn thiện. Phía Nam Việt Trì hình thành cảng hành khách mới trên sông Hồng. Các tuyến đường nội thị như: Nguyệt Cư, Tô Vĩnh Diện, Vũ Duệ, Thạch Khanh, Nguyễn Tất Thành, Thụy Vân, Vũ Thê Lang, Phù Đổng, Tiên Sơn... và trên 130km đường giao thông nội bộ, nhiều tuyến đường quốc lộ, cầu và đường đối ngoại như đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai, Quốc lộ 2, cầu Hạc Trì, cầu Văn Lang... tiếp tục được đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới, giúp kết nối giao thông, thúc đẩy kinh tế, tạo thành điểm nhấn cho thành phố. 

Cùng với đó, Việt Trì tiếp tục phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương, quốc gia có các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính dân tộc và tính hiện đại, tạo sự hòa quyện, kết dính giữa các chức năng của thành phố công nghiệp và lễ hội du lịch.

Ông Đặng Trần Minh - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cho biết: Thời gian tới, Việt Trì tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tập trung đầu tư các công trình trọng điểm trên địa bàn. Trong đó đặc biệt chú ý đến thực hiện các khâu đột phá về kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và xây dựng đô thị văn minh văn hóa; khai thác, sử dụng hiệu quả các tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững; hướng tới phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030… Qua đó, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo thời kỳ Hùng Vương dựng nước, xứng đáng với vị thế Kinh đô Văn Lang - Kinh đô đầu tiên của nước Việt.

Trà My

 

Nguồn: baophutho.vn

Cùng chuyên mục