Xã Lát (huyện Lạc Dương) hội tụ đủ yếu tố “sinh thái” và “đậm đà bản sắc văn hóa” của người dân bản địa. Và cũng chính những điều kiện thuận lợi ấy đã dần thiết lập “bản đồ” du lịch để mỗi lần khách thập phương ghé qua đều phải trầm trồ bởi bức tranh muôn màu của thôn quê.
Cách Đà Lạt chừng 12 km, xã Lát thu mình dưới vùng núi Lang Biang vẫn còn giữ nguyên nét đẹp mộc mạc, đơn sơ nhưng không kém phần đặc biệt của một vùng quê.
Sở hữu môi trường trong lành, khí hậu mát mẻ, quanh năm được bao phủ bởi diện tích rừng nguyên sinh rộng lớn của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Bidoup - Núi Bà, đã dần tạo nên một xã Lát với những điểm đến xuất hiện trên bản đồ du lịch của Đà Lạt - Lâm Đồng. Đó là hệ thống sông suối, thác ghềnh đẹp như hồ Đan Kia - Suối Vàng, Làng Cù Lần... hay những trải nghiệm khi du khách được hòa mình vào văn hóa của người Lạch bản địa. Và tất cả dường như đã tạo nên một cung đường du lịch thôn quê, thu hút đông đảo du khách thập phương, đặc biệt là giới trẻ khi về với mảnh đất nằm ở phía Bắc vùng đất Nam Tây Nguyên này.
Được biết đến là nơi nằm giữa khu rừng thông đặc chủng cao từ 5-15m kết hợp với mảng thực bì đa dạng, đồi núi uốn lượn độc đáo, kết hợp với nghệ thuật sắp đặt và cùng những vườn hoa, khung cảnh thiên nhiên thích hợp ở Thung lũng Vàng trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng và cho tới nay, nơi này đã tạo được nhiều thiện cảm trong lòng du khách.
Ông Trần Đình Thể - Phó Chủ tịch UBND xã Lát chia sẻ: “Du lịch xã Lát có thể không quá tráng lệ, rộng lớn, nhưng với tiềm năng về sinh thái, con người cũng đã khiến cho du khách được trải nghiệm chuyến tham quan của mình. Do đó xã xác định rõ định hướng phát triển du lịch là con đường phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân”. Không chỉ may mắn sở hữu những địa điểm tự nhiên do tạo hóa ban tặng, xã Lát còn tạo cho du khách cảm giác trải nghiệm, khám phá văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình là Làng Cù Lần - một trong những ngôi làng đang lưu giữ những nét đẹp văn hóa đặc sắc của người dân bản địa K’Ho.
Được xây dựng thành khu du lịch sinh thái văn hóa ở huyện Lạc Dương, Làng Cù Lần là sự pha trộn giữa hai loại hình du lịch, một là du lịch sinh thái và thứ hai là du lịch văn hóa. Khách du lịch đến với Làng Cù Lần chủ yếu để nghỉ ngơi, thư giãn và hòa mình vào cuộc sống thiên nhiên với các hoạt động giải trí ngoài trời thú vị như cắm trại, bắt cá trên bè, săn gà rừng hay đi xe Jeep quanh đồi suối, tạo cho du khách cảm giác gần gũi với thiên nhiên, con người. Một trong những điều đặc biệt của làng này là các buổi giao lưu văn hóa cồng chiêng - “đặc sản” của Tây Nguyên. Bên cạnh đó, những ngôi nhà với những mẫu hoa văn đặc trưng của người dân tộc thiểu số hay con suối len lỏi dẫn lối vào làng và cả những loài hoa đủ sắc màu đã tạo nên một không gian yên bình và thơ mộng chốn này.
Ngoài những địa điểm nổi tiếng như Thung lũng Vàng, Làng Cù Lần hay Ma Rừng Lữ Quán... để thu hút du khách trong những năm gần đây, xã Lát đã từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và hiện nay có hàng chục điểm check in, điểm dừng chân thu hút khá đông du khách như Khỉ ho cò gáy, Thiên đường tím...
Anh Nguyễn Khôi Nguyên - quản lý Thiên đường tím cho biết: “Mặc dù Thiên đường tím vừa mở chưa được lâu, nhưng đã được nhiều du khách, đặc biệt là khách đi phượt dừng chân và giới thiệu bạn bè. Sự kết hợp giữa du lịch canh nông và du lịch cộng đồng ở đây đã thu hút lượng khách ghé thăm trung bình khoảng 100 lượt khách/tháng và chủ yếu là khách phượt từ Sài Gòn, Bình Dương...”.
Ông Trần Đình Thể cho biết thêm, việc gắn kết du lịch với phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng đang hình thành và phát triển như Công ty Rừng hoa Bạch Cúc với trên 2 ha mô hình rau thủy canh và 18 loại rau các loại đạt chuẩn VietGAP thu hút khách tham quan và mua sản phẩm, Công ty Cổ phần Cá nước lạnh Đa Phú... Bên cạnh việc xây dựng du lịch cộng đồng gắn với trưng bày, giới thiệu sản phẩm, xã cũng sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư du lịch trên địa bàn, nhằm xây dựng các tour du lịch canh nông gắn với du lịch cộng đồng. Đồng thời, liên kết kêu gọi đầu tư để xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng gắn với trưng bày sản phẩm tại thôn Đạ Nghịt.
Theo nhận xét của ông Cao Anh Tú - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lạc Dương, trong những năm qua, du lịch ở xã Lát có những bước phát triển vượt bậc, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư mở rộng mạng lưới các cơ sở du lịch. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư nâng cấp và chất lượng phục vụ ngày càng cao, đa dạng hơn. Đó chính là “căn cước” để khai thác du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch canh nông và tìm hiểu văn hóa Tây Nguyên thu hút du khách nơi đây phát triển.