Ðầu tư Du lịch

Yên Bái: Mù Cang Chải thu hút đầu tư, tạo đà cho du lịch phát triển

Cập nhật: 03/12/2020 08:06:53
Số lần đọc: 895
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định và triển khai thực hiện 3 đột phá và 4 chương trình trọng điểm; trong đó, chú trọng chương trình phát triển du lịch “Xanh, bản sắc, an toàn, thân thiện”.

Mù Cang Chải Ecolodge - điểm du lịch sinh thái hấp dẫn tại bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: Thanh Miền)
 
Những năm qua, nhờ các nguồn lực được đầu tư mạnh mẽ vào kết cấu hạ tầng, diện mạo thôn bản vùng cao Mù Cang Chải đã khởi sắc, tạo đà cho du lịch phát triển. 
 
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 89 nhà nghỉ, homestay và 71 nhà hàng, quán ăn đáp ứng nhu cầu phục vụ trên 2.500 lượt khách/ngày. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước đạt 355 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn đạt 21,9%/năm. 
 
Trong 5 năm qua, ngày càng nhiều người dân biết làm du lịch cộng đồng, tạo ra thu nhập ổn định, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế từ dịch vụ du lịch của Mù Cang Chải. Lượng khách đến với huyện tăng mạnh qua các năm, trung bình đạt 100.000 lượt người/năm.
 
Năm 2019, khách du lịch đến với huyện đạt trên 250.000 lượt người, trong đó khách quốc tế 30.000 lượt. Doanh thu từ du lịch đạt 95 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần so với năm 2015. 
 
Nhiệm kỳ 2020 -2025, Mù Cang Chải phấn đấu có trên 200.000 lượt du khách/năm đến tham quan; doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 300 tỷ đồng; quyết tâm xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch và cơ bản thoát nghèo.
 
Để đạt được kết quả trên, ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ, Mù Cang Chải đã tập trung thu hút đầu tư, tạo đà phát triển du lịch. 
 
Theo đó, huyện đã tiến hành lập danh mục các dự án, công trình trọng điểm đề nghị đưa vào danh mục trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. 
 
Cụ thể như: Dự án đường tránh thị trấn, kè suối Kim Nọi và phát triển quỹ đất thương mại, du lịch gắn với phát triển đô thị du lịch thị trấn; Dự án phát triển khu thương mại, du lịch, thể thao gắn với quy hoạch mở rộng thị trấn Mù Cang Chải về phía Tây; Dự án phát triển hạ tầng khu vực Ngã Ba Kim, Khao Mang; Dự án phát triển du lịch khu IV (xã Khao Mang và Lao Chải).
 
Bên cạnh đó, đề án phát triển đường giao thông nông thôn giai đoạn 2020-2025 tập trung kiên cố hóa các tuyến đường giao thông từ xã đến các thôn bản và kiên cố hóa các tuyến đường kết nối chính giữa các vùng trên địa bàn huyện. 
 
Cùng với đó, huyện kết hợp với các dự án thu hút đầu tư như: Dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng kết hợp với trồng cây dược liệu và phát triển du lịch khu vực Tà Cua Y (giáp ranh xã Chế Cu Nha và xã Nậm Có); Dự án phát triển khu đô thị sinh thái du lịch xã Púng Luông; Dự án Chợ, Trung tâm thương mại gắn với phát triển du lịch Ngã Ba Kim, xã Púng Luông; Dự án đầu tư chợ, Trung tâm thương mại Khao Mang; Dự án phát triển cây dược liệu dưới tán rừng (tại một số xã); Dự án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng tại xã Cao Phạ; Dự án phát triển du lịch, thung lũng hoa tại xã Dế Xu Phình. 
 
Nhằm tận dụng tốt các nguồn lực, tích cực mời gọi, thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng đô thị, du lịch huyện phối hợp với Sở Xây dựng, các cơ quan liên quan lập quy hoạch huyện Mù Cang Chải theo hướng phát triển thành huyện du lịch. 
 
Huyện khuyến khích phát triển du lịch, dịch vụ; thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động nông thôn; phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo.
 
Cùng với đó, Mù Cang Chải đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và phát triển du lịch sinh thái; phát triển mạnh các sản phẩm nông lâm nghiệp hàng hóa chủ lực và sản phẩm đặc sản theo chuỗi giá trị, theo phương thức sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với xây dựng thương hiệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm phục vụ khách du lịch. 
 
Hiện nay, huyện đang xây dựng 2 sản phẩm du lịch cộng đồng tại xã La Pán Tẩn và thị trấn Mù Cang Chải đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. 
 
Huyện đã lập danh mục mời gọi, thu hút đầu tư đối với các dự án có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, phát triển kinh tế rừng của huyện gắn với phát triển xanh, giữ gìn môi trường sinh thái bền vững. Mặt khác, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về vai trò của trường học du lịch. 
 
Cụ thể, huyện Mù Cang Chải đã thí điểm xây dựng 3 mô hình trường học du lịch là Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Cao Phạ, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Chế Cu Nha, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS La Pán Tẩn để hình thành tư duy gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ.
 
Phát huy giá trị của Di tích Quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang và bản sắc văn hóa dân tộc, huyện Mù Cang Chải đã chú trọng hướng dẫn, tạo môi trường và cơ chế để người dân làm du lịch, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
Một số sự kiện, sản phẩm du lịch đã trở thành thương hiệu hấp dẫn khách du lịch trong nước, quốc tế. Quy mô, hình thức tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch ngày càng được mở rộng, đổi mới, độc đáo, tạo điểm nhấn đặc trưng như: Du lịch mùa nước đổ (tháng 5, tháng 6); Lễ hội khám phá Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải (tháng 9, tháng 10) gắn với Festival dù lượn "Bay trên mùa vàng”, "Bay trên mùa nước đổ”... 
 
Với những lợi thế mà thiên nhiên ưu đãi cho huyện vùng cao, Mù Cang Chải quyết tâm xây dựng địa phương trở thành huyện du lịch - là điểm đến "Xanh, bản sắc, an toàn, thân thiện” với mỗi du khách. 
 
Hồng Duyên
Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT