Yên Bái: Phát huy tiềm năng, lợi thế Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà
Hồ Thác Bà có hơn 1.300 hòn đảo lớn, nhỏ và được ví như Vịnh Hạ Long trên núi
Theo nhiệm vụ quy hoạch, phạm vi lập quy hoạch chung xây dựng KDLQG hồ Thác Bà đến năm 2040 có tổng diện tích khoảng 53.000 ha (bao gồm diện tích hồ Thác Bà khoảng 16.000 ha và diện tích đất liền bao quanh hồ khoảng 37.800 ha).
Trong đó, định hướng phát triển không gian, kiến trúc, cảnh quan và thiết kế đô thị tập trung vào khai thác tối ưu tiềm năng và lợi thế của hồ Thác Bà về giá trị cảnh quan mặt nước, cảnh quan rừng núi, môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị phi vật thể và văn hóa tín ngưỡng, giao thông thủy bộ…
Đơn vị tư vấn nghiên cứu tác động của tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, quốc lộ 70, quốc lộ 37, quốc lộ 2D, sân bay lưỡng dụng Yên Bái đến quá trình lập quy hoạch, xác định cấu trúc phát triển xây dựng không gian chung toàn KDLQG, hướng phát triển và nguyên tắc phát triển đối với từng phân khu chức năng du lịch.
Đồ án quy hoạch cũng định hướng cụ thể tổ chức không gian mạng lưới điểm dân cư - làng bản; định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với điều kiện giá trị văn hóa, hệ sinh thái tự nhiên, khí hậu và nguồn lực, đặc điểm của KDLQG hồ Thác Bà và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồ án xác định các đặc trưng và giải pháp đối với các vùng kiến trúc, cảnh quan, các khu vực trung tâm, khu vực cửa ngõ của vùng lõi tập trung phát triển KDLQG, trục không gian chính, quảng trường, không gian cây xanh, mặt nước, điểm nhấn không gian và đề xuất nguyên tắc, yêu cầu tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan cho các khu vực hiện hữu và phát triển mở rộng…
Theo đánh giá, Quy hoạch chung xây dựng KDLQG hồ Thác Bà đến năm 2040 và vùng phụ cận có tính tích hợp, đồng bộ, kết hợp giữa phát triển du lịch và đô thị bền vững trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an toàn hồ đập thủy điện ứng phó với biến đổi khí hậu…
Trong quá trình lập Đồ án, UBND tỉnh đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý từ các thành viên Hội đồng Thẩm định, các bộ, ban, ngành trung ương, các ban, sở, ngành của tỉnh và các chuyên gia nghiên cứu liên quan đến cơ sở pháp lý; phạm vi lập quy hoạch và những nội dung nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực: tài nguyên, môi trường, đầu tư, tài chính, công thương, quy hoạch, giao thông, văn hóa, du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp, quốc phòng - an ninh…
Trong đó, Bộ Công Thương có 6 ý kiến, Bộ Tài nguyên và Môi trường 22 ý kiến, Bộ Công an 5 ý kiến, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam 8 ý kiến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 11 ý kiến, Bộ Tài chính 11 ý kiến, Bộ Quốc phòng 3 ý kiến, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch 11 ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 17 ý kiến và Bộ Giao thông - Vận tải 17 ý kiến.
Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, UBND tỉnh đã khẩn trương tổ chức triển khai chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch và có giải trình đối với ý kiến tham gia bằng văn bản của từng bộ, ngành, cơ quan trung ương. Quá trình thực hiện Đồ án cũng gặp những khó khăn, vướng mắc do phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch rộng, có tính liên ngành cao và phức tạp.
Đồng thời, phải tuân thủ nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến di sản văn hóa, tài nguyên, môi trường, lâm nghiệp, giao thông thủy, thực hiện quy hoạch sẽ tác động lớn đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hoạt động khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, môi trường sinh thái và an sinh xã hội, cảnh quan thiên nhiên vùng hồ…
Do vậy, để đồng thời đáp ứng toàn bộ các quy phạm pháp luật, quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tập trung nhân lực, thời gian để rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thiện việc chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch và giải trình ý kiến tham gia vào đồ án Quy hoạch chung gửi Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định theo quy định làm cơ sở hoàn thiện đồ án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Yên Bái hiện thực hóa mục tiêu phát triển hồ Thác Bà và vùng phụ cận trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng trung du và miền núi Bắc bộ với các sản phẩm du lịch đặc trưng, đảm bảo hài hòa các chức năng gắn với văn hóa và hệ sinh thái lòng hồ Thác Bà.
Mạnh Cường