Yên Bái: Văn Chấn đầu tư hoàn thiện hệ sinh thái du lịch
Khách du lịch trải nghiệm các trò chơi tại Khu huấn luyện và Trải nghiệm Aeris Hill Tú Lệ.
Văn Chấn đã hình thành rõ rệt 3 vùng du lịch trọng điểm gồm: thị trấn Sơn Thịnh tập trung ở tổ dân phố Suối Khoáng khai thác tiềm năng suối khoáng nóng cùng bản sắc văn hóa người Thái; xã Tú Lệ chú trọng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm với hệ thống các cơ sở lưu trú, dịch vụ chất lượng cao, chuyên nghiệp; xã Suối Giàng thì lại chú trọng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với cây chè Shan tuyết cổ thụ, tạo không gian phục vụ du khách tổ chức các hoạt động nghỉ dưỡng, các trò chơi tập thể, gala dinner tổng kết…
Điểm chung ở các địa điểm này là đã có sự vào cuộc của các nhà đầu tư để xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ du lịch. Các tổ hợp lưu trú - ăn uống - vui chơi - checkin ngày càng phổ biến, bổ sung cho địa phương những hạng mục còn thiếu để phát triển du lịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của du khách.
Ông Mùa A Giàng - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Giàng chia sẻ: Trên địa bàn xã có 13 cơ sở du lịch với đầy đủ các dịch vụ như lưu trú, ăn uống, trong đó có 7 cơ sở do các tổ chức, cá nhân ngoài địa phương đầu tư xây dựng với tư duy, góc nhìn mới, làm đa dạng và chuyên nghiệp hóa du lịch địa phương.
Du khách đến Suối Giàng có thể lựa chọn du lịch cộng đồng ở cùng người dân địa phương hoặc nghỉ dưỡng trong các homestay đầy đủ tiện nghi, hiện đại, được đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, dịch vụ chuyên nghiệp như: nhà hàng, ngắm cảnh, hệ thống bể bơi, chăm sóc sức khỏe…; check in bên vườn trà cổ, thác Chử Lầu, Cổng Trời, khám phá Cốc Tình, động Thiên Cung hay tổ chức các chuyến dã ngoại bên rừng trúc Giàng Mao, cắm trại ở Niềm mơ Campsite. Suối Giàng đã đáp ứng được nhu cầu đa dạng du khách theo hướng tiện nghi, văn minh, thân thiện.
Hiện nay, huyện đã có các doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng các dịch vụ du lịch, như: Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, Trung tâm huấn luyện và trải nghiệm xã Tú Lệ của Doanh nghiệp Thịnh Đạt Xanh; Khu du lịch sinh thái Suối Giàng; chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Bản Hốc (nay là tổ dân phố Suối Khoáng), thị trấn Sơn Thịnh. Ngoài ra, huyện cũng đang thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến các điểm du lịch trên địa bàn: Dự án khu dân cư sinh thái và du lịch chữa lành tại huyện Văn Chấn và Trạm Tấu của Công ty Cổ phần hệ sinh thái sức khỏe Ehealthcare...
Nhờ đó, tại 3 vùng trọng điểm đã phát triển được 1 resort, 1 khách sạn, 4 nhà nghỉ, 21 homestay đủ điều kiện hoạt động theo Luật Du lịch.
Huyện tiếp tục hỗ trợ phát triển 14 homestay mới bắt đầu hoạt động và hỗ trợ xây dựng các đội văn nghệ bản sắc phục vụ các hoạt động du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn. Huyện còn tập trung ưu tiên đầu tư hệ thống mạng viễn thông còn thiếu, các công trình dịch vụ du lịch: triển khai điểm phát sóng wifi miễn phí tại xã Suối Giàng; xóa 12 vùng lõm sóng trên địa bàn huyện; 100% sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản hiện đang được đưa vào kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử…
Chị Phạm Linh Phương - du khách đến từ Hải Phòng chia sẻ: "Tôi vừa có chuyến thăm người thân kết hợp du xuân ở Văn Chấn, Yên Bái. Sau nhiều năm quay trở lại, tôi cảm nhận rõ sự đổi mới, chuyên nghiệp hơn ở du lịch vùng này. Từ Suối Giàng, Tú Lệ đều được đầu tư rất đẹp, có cả những resort, khu nghỉ dưỡng hiện đại. Chúng tôi đã trải nghiệm tắm suối khoáng nóng, thưởng thức ẩm thực và trải nghiệm các trò chơi ở khu Aeris Hill Tú Lệ. Chuyến đi này đã trở nên thú vị hơn rất nhiều”.
Được đầu tư, hệ sinh thái phục vụ du lịch từng bước được hoàn thiện. Nhờ đó, hết năm 2023, huyện đã đón trên 200.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế 21.300 lượt), doanh thu đạt gần 200 tỷ đồng, đưa Văn Chấn trở thành điểm dừng chân lý tưởng trong hành trình du lịch khám phá Yên Bái.
Hoài Anh