Con đường gốm sứ - khắc hoạ tinh hoa văn hóa ngàn năm
Với mục tiêu làm đẹp một không gian công cộng bằng chất liệu gốm sứ truyền thống, những mảng tường bê tông xám ven đê sông Hồng trở nên rực rỡ sắc màu, đa dạng về phong cách sáng tác và chủ đề thể hiện, là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa, được thể hiện qua phong cách của các nghệ sĩ đương đại Việt Nam và thế giới.
Từ ý tưởng của nhà báo-họa sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, được sự đồng thuận của UBND TP Hà Nội, công trình đã được triển khai từ năm 2007, thu hút sự tham gia của 20 họa sĩ Việt Nam, 15 họa sĩ quốc tế đến từ 10 nước (Đan Mạch, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Anh, Mỹ, Argentina, New Zealand…), 500 thiếu nhi Việt Nam và quốc tế, 50 sinh viên mỹ thuật và hơn 100 nghệ nhân, thợ thủ công từ nhiều địa danh và làng gốm cổ truyền Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu, Bàu Trúc… Đến nay, Con đường gốm sứ có độ dài tổng cộng 3,85km, kéo dài từ cửa khẩu An Dương trên đường Yên Phụ đến cửa khẩu Vạn Kiếp, tổng diện tích đạt 6.950m2.
Con đường là nơi thể hiện tình cảm, công sức của tập thể, các tổ chức doanh nghiệp, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế. Bạn bè khắp nơi trên thế giới đã và đang gửi tặng Hà Nội những viên gạch, chứa chan tình cảm, mang dấu ấn nghệ thuật từ những vùng đất xa xôi, những nền văn hóa và lịch sử khác nhau cùng hội tụ nơi mảnh đất ngàn năm văn hiến, một thủ đô Hà Nội anh hùng, bất khuất, một thủ đô vì hòa bình.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vui mừng nói: “Con đường gốm sứ thể hiện tình yêu, tình hữu nghị của nhân dân, bạn bè trong nước và quốc tế đối với thủ đô Hà Nội của chúng ta. Thành phố trân trọng đón nhận những tình cảm tốt đẹp được gửi gắm trong công trình. Từ công trình này, thành phố Hà Nội mong muốn các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sẽ tích cực tham gia đóng góp sáng kiến, trí tuệ, tài lực để làm đẹp các không gian công cộng khác của Thủ đô. Hãy chung tay làm cho thành phố ngày càng tươi sáng, văn minh và đậm đà bản sắc dân tộc”.
Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Hà Nội, bà Katherine Muller Marin tự hào vì đang được sống trong những ngày tràn đầy cảm xúc, được hòa mình cùng nhân dân Thủ đô đón chào những công trình, những hoạt động đầy ý nghĩa để kỷ niệm Đại lễ.
Dù không thể miêu tả hết chiều dài nghìn năm lịch sử của thủ đô Hà Nội nhưng bức tranh gốm rực rỡ, với nhiều trường đoạn khác nhau phần nào mang đến cho du khách những hình dung khái quát về đặc trưng văn hóa, lịch sử Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Miêu tả một dòng chảy lịch sử trên chất liệu gốm chính là cách tôn vinh những giá trị truyền thống của cha ông ta và khơi gợi lên lòng tự hào dân tộc trong mỗi người con dân Việt.
Bà Beatriz Fernandez, Giám đốc Pháp chế của Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới đã tới Việt Nam để xác định liệu kỷ lục hiện thời của bức tranh lớn nhất thế giới do Trung Quốc nắm giữ là 1.494,4m2 có bị phá vỡ hay không. Trong không khí của buổi Lễ, thay mặt Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness, bà khẳng định: “Chưa cần tính toán toàn bộ công trình, mà chỉ với một đoạn tranh mang tên “Hoa văn Việt Nam trong dòng chảy lịch sử” từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Tân Ấp, con đường gốm sứ của Hà Nội đã chính thức chinh phục thành công kỷ lục thế giới mới”.
Đây thực sự là một dấu ấn không thể quên đối với mỗi người dân Việt Nam.
Với sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức để làm nên con đường gốm sứ, bà Beatriz Fernandez cho biết: tôi hết sức ấn tượng bởi tính đa dạng của công trình nghệ thuật công cộng, sự đa dạng toát lên tư chủ đề, cách thể hiện đến phong cách, kỹ thuật thực hiện.
Từ đây, Con đường gốm sứ không chỉ giống như dải lụa mềm bên sông Hồng mà còn là địa chỉ để Hà Nội tự hào giới thiệu đến du khách như một nét văn hóa nhẹ nhàng mà sâu lắng, đậm chất thanh lịch của người Tràng An.