Đặc sắc lễ hội cúng rừng ở Lào Cai
Lễ hội thường được tổ chức ở khu rừng cấm của làng. Cúng hai cây cổ thụ, được coi là "Cây bố và cây mẹ", đồ dâng cúng có mâm đặc biệt "Mâm đất nước", tiếng Nùng là "Pặt chiêng" cúng những người hy sinh bảo vệ đất nước và mâm cúng người bảo vệ làng bản. Tại lễ cúng rừng, mâm cỗ cúng được bày ngay dưới gốc cây cổ thụ, người hành lễ đọc bài cầu chúc cho mưa thuận, gió hòa, rừng cây luôn xanh tốt, mùa màng sinh sôi. Già làng, trưởng bản nhắc mọi người không được phá rừng, rồi phân khu đất cho từng nhà tăng gia, làm vườn, không được thả rông gia súc…
Từ những lễ hội cúng rừng đã nhắc nhở mọi người quan tâm bảo vệ để rừng ngày một xanh tươi. Sau phần lễ, mọi người cùng ký cam kết bảo vệ rừng, trồng nhiều cây xanh trên những mảnh vườn, triền đồi và thưởng thức men rượu thơm nồng, vui cùng các trò chơi dân gian đậm đà bản sắc dân tộc như: bịt mắt bắt dê, ném còn, đu quay, đẩy gậy, múa gậy, bắn nỏ…
Hiện nay, nhiều làng, bản của đồng bào dân tộc ở Lào Cai có khu rừng cấm. Rừng cấm là khu rừng chung của cả làng, mọi người đều phải tự giác bảo vệ, không được chặt phá. Việc xây dựng những khu rừng cấm vừa mang lại giá trị về mặt sinh thái vừa có ý nghĩa giáo dục lớp cháu con giữ gìn phong tục của cha ông, bảo vệ môi trường, hướng tới cuộc sống no ấm.