Non nước Việt Nam

Đàn môi - Một nhạc cụ đặc biệt của Việt Nam và Thế giới

Cập nhật: 13/10/2010 13:59:06
Số lần đọc: 3854
Đàn môi hiện nay đang là một loại nhạc cụ dân tộc ngày càng thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng. Tuy nhiên ở Việt Nam, nhạc cụ này chưa được phổ biến rộng rãi  và  cần có sự quan tâm nhiều hơn của cộng đồng...

Đàn môi là một nhạc cụ độc đáo có mặt ở hầu hết các châu  lục. Đàn thuộc loại khí tự âm vang (idiophone) với dáng hình nhỏ nhắn, xinh xinh, chỉ dài khoảng 7 cm có thể bỏ vào túi gọn gàng. Đàn môi có nhiều hình dáng và chất liệu khác nhau nhưng đều có hai bộ phận chính là khung cố định và lưỡi gà di động.

Hiện nay, khoảng 30 quốc gia trên thế giới có nhạc cụ đàn môi. So với đàn môi ở các nước Âu Mỹ làm bằng thép, sắt , đồng thau hoặc nhôm và hầu như có cùng một kiểu dáng thì  tại Châu Á, tuỳ theo truyền thống và bản sắc từng dân tộc mà đàn môi ở mỗi nước có độ dài ngắn khác nhau với tên gọi rất đa dạng: mukkuri (Nhật Bản), genggong (Bali), kubing (Philippin), và đàn môi ở Việt Nam.

Vật liệu để làm đàn môi ở Châu Á không chỉ bằng kim khí mà còn bằng tre. Đàn môi làm bằng kim khí có thể tìm thấy tại nhiều nước như Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Mông Cổ, Trung Quốc..., loại đàn môi bằng tre thì có mặt ở Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản..."

Ở Việt Nam, đàn môi là một trong những nhạc cụ được đồng bào các dân tộc thiểu số rất ưa chuộng: "Loại đàn  môi bằng kim khí có thể tìm thấy ở vùng người dân tộc Gia Rai, bằng thau ở dân tộc Mông, bằng tre ở dân tộc Ba Na, Ê Đê...".

Về cách biểu diễn loại nhạc cụ đàn môi, "nhạc sĩ đặt đàn lên miệng mở hé, dùng ngón tay trỏ của bàn tay phải khảy trên đầu lưỡi của nhạc khí và di chuyển qua lại giữa hai hàm răng, trong khi cổ họng phát ra các nguyên âm a, e, i, o, u... để làm thay đổi thể tích không khí lọt ra ngoài, nhờ đó âm thanh phát ra sẽ có những cao độ khác nhau".

Đàn môi không chỉ để tiêu khiển mà nhiều nơi còn được nam nữ thanh niên sử dụng để thổ lộ tâm tình như dân tộc Mông ở Việt Nam.

 Một số nới khác lại có truyền thống kết hợp một lúc mấy chục đàn môi tựa như một dàn nhạc như ở Indonesia. Ở Tuva, đàn môi còn được các thầy thuốc vận dụng thần lực mạnh mẽ khảy đàn tạo ra những âm thanh huyền bí dùng để chữa bệnh.

Đàn môi của Việt Nam được xem là loại đàn môi có giá trị và bồi âm đúng nhất, đông đảo người dân trên thế giới thừa nhận đàn môi Việt nam là hay nhất.

Đàn môi là một loại nhạc cụ rất đặc biệt và có giá trị nhưng ở Việt Nam hiện nay, nhất là giới trẻ, rất ít người biết đến loại nhạc cụ  này.

Để bảo tồn và phát triển nghệ thuật đàn môi thì cần phải có những lớp dạy đàn môi ở nhạc viện và phải được phổ biến trong các trường tiểu học. Điều này phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm của những người có trách nhiệm về giáo dục âm nhạc.

Nguồn: website Nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT