Non nước Việt Nam

Ngây ngất rượu cần

Cập nhật: 18/10/2010 10:10:29
Số lần đọc: 2947
Rượu cần là cách gọi của người Việt đối với loại rượu đặc sản được một số dân tộc thiểu số Việt Nam ủ men không qua chưng cất, khi đem ra uống phải dùng các cần làm bằng tre đục thông lỗ để hút rượu.

Rượu cần là thứ đồ uống quý thường chỉ dùng trong các dịp lễ tế thần linh, những ngày hội làng và dành đãi khách.

 

Làm rượu cần đơn giản. Bỏ men vào cơm ủ trong ché (ghè) độ bốn năm hôm là thành rượu. Lúc nào uống thì đổ thêm nước lã vào chứ không cất như rượu đế. Rượu để lâu ngày càng ngon. Có người đem chôn rượu ở dưới đất hàng năm cho rượu hả hơi mới đem lên uống.

 

Rượu cần có nhiều loại. Rượu thóc là lúa mới xay, rửa cho sạch, ngâm nước rồi trộn men để bỏ vào ché. Lấy lá chuối bịt chặt miệng ché độ năm, sáu hôm sau là dùng được. Rượu cơm là rượu làm bằng gạo nấu thành cơm ủ với men; hoặc là trộn đều bỏ vào ché; hay bỏ một lớp cơm, một lớp men cũng được. Cơm rượu chỉ độ vài ba hôm là nở tràn ché. Còn rượu kê, bo bo, bắp, mì, v.v... thì cũng làm theo cách trên.

 

Ở Tây Nguyên, mỗi lần có lễ lớn như lễ bỏ mả, lễ ăn cơm mới, đều cử hành rất lớn ở nhà làng (nhà rông). Họ đánh cồng chiêng, nhảy múa, ca hát rồi ăn thịt trâu nướng, uống rượu cần say túy lúy. Các trai làng, gái làng ăn mặc nhiều loại trang phục có nhiều hoa văn sặc sỡ và hát cho nhau nghe những bài hát chan chứa ân tình:

 

Anh ở bên này ghè rượu,

Vít cần trúc cong cong thành một nửa bầu trời

Thành một nửa trái tim mơ hồ gọi

Một nửa còn bên ấy

 

Uống rượu cần thể hiện sự đoàn kết, thương yêu không có chuyện chén chú, chén anh, chén ông, chén bác... Mọi người cùng uống với nhau chung cần, trẻ, già, trai, gái nhâm nhi thịt trâu nướng mà không sợ mất vệ sinh.

 

Uống rượu cần có những nghi lễ độc đáo. Chủ nhà mở chóe rượu và đọc lời cầu khấn Giàng đem lại sức khỏe, may mắn cho khách. Sau đó chủ nhà nếm trước một ngụm nhỏ rồi nâng cần trao cho khách. Khách đỡ lấy cần bằng hai tay, tay trái đặt lên đầu cần, tay phải cầm phần thân cần sát miệng chóe, nhẹ nhàng vuốt dọc lên rồi uống. Chủ nhà sẽ thân chinh hoặc cử một người, thường là những thiếu nữ mặc váy thổ cẩm thêu hoa văn xinh đẹp, cầm ca (trước kia thường dùng sừng trâu) tiếp nước vào chóe. Người Tây Nguyên uống rượu rất công bằng, cách rót nước như vậy gọi là đong “kang”. Khi rót hết nước trong ca, nghĩa là khách đã uống hết phần rượu. Ngoài ra cũng thường thấy để xét công bằng về lượng rượu cho mỗi người, chủ nhà dùng cành cây gác ngang miệng chóe, có nhánh cắm xuống mặt nước một đoạn chừng một phân. Khi người uống hút rượu, mực nước thấp xuống, đến đoạn đầu nhánh cây là đủ phần mình.

 

Uống rượu cần thật là một sinh hoạt văn hoá mang tính cộng đồng rõ nét. Khi đã vào cuộc vui rượu cần con người xích lại gần nhau, xua tan mọi nỗi u buòn thậm chí sẵn sàng tha thứ cho nhau những điều chưa vừa ý, vừa lòng. Trước đây chưa có kỹ thuật trưng cất rượu. Sau này cũng loại men ấy họ đã biết trưng cất từ rượu cần thành "rượu siêu" chất lượng tinh khiết hơn. Nhưng dẫu sao uống rượu cần vẫn là thú vui không thể thiếu được bởi nó đã đi vào cuộc sống của cộng đồng đã từ lâu, trở thành một nét bản sắc văn hoá đáng trân trọng. Nó còn là cầu nối giao lưu văn hoá, tình cảm giữa các dân tộc thậm chí đối với khách quốc tế cũng trở thành một nhu cầu giao tiếp.

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT