Kèo nèo - Rau ngon vùng sông nước Nam Bộ
Loài cây được coi như một thứ rau dại ấy đã trở thành một nét đặc biệt trong văn hóa ẩm thực của miền Tây Nam Bộ.
Mùa nước lên, hay khi lũ tràn về, mặc cho những loài cây cỏ khác bị trôi dạt tứ phương, kèo nèo vẫn bám trụ lại, từ dưới đáy bùn vươn cao mơn mởn, màu xanh biếc. Người dân miệt vườn hái thứ cây này về ăn cho qua những bữa cơm bình dân hàng ngày. Và cứ thế, kèo nèo đã trở thành một món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho người dân Nam Bộ.
Chế biến kèo nèo theo kiểu người miền Tây cũng đơn giản, mộc mạc. Đầu tiên phải kể đến món kèo nèo luộc. Kèo nèo rửa sạch, cắt khúc, luộc sơ với nước sôi, vớt ra. Kèo nèo luộc chấm với kho quẹt hay nước cá kho đều ngon. Những cọng kèo nèo giòn giòn kết hợp với vị đậm đà ngọt bùi của nước chấm tạo nên một món ăn tuy đơn giản, dân dã, nhưng lại rất lạ miệng.
Cầu kì hơn một chút có thể làm món kèo nèo muối chua. Kèo nèo muối chua có vị chua chua mặn mặn, có thể để được vài ngày, và thường dùng ăn với các món chính như thịt kho, cá chiên… để món ăn đỡ ngấy.
Kèo nèo còn luôn xuất hiện trong những món lẩu của người Nam Bộ. Món lẩu mắm dù đã có nhiều loại trái và rau như: cà tím, hoa súng, rau đắng, rau muống… nhưng sẽ mất ngon nếu thiếu kèo nèo xanh mơn mởn. Ăn với kèo nèo, món lẩu mắm như đậm đà hơn, đặc sắc hơn.
Không chỉ có lẩu mắm, mà trong canh chua của người miền Tây, kèo nèo trở thành thứ rau gia vị không thể thiếu. Người ta thường nấu canh chua cá bông lau chung với lá giang và kèo nèo. Cách thực hiện món ăn cũng dễ: Nấu sôi nước, sau đó cho cá bông lau vào, rồi tiếp tục cho lá giang vào để tạo độ chua cho nồi canh. Khi canh sôi, cho kèo nèo vào rồi tắt bếp. Phi tỏi vàng thơm trút vào nồi canh. Rắc rau om, ngò gai, hành lá, ớt xắt lên. Có thể thay cá bông lau bằng các loại cá khác hoặc thay bằng thịt gà, thịt ếch… Cái vị chua chua ngọt ngọt của nước canh ngấm trong từng cọng kèo nèo khiến ai cũng mê mẩn. Có ăn thử mới biết tại sao người miền Tây “kết” loài rau bình dị này đến vậy.