Bún Tứ Kỳ- hương vị riêng của đất Hà Thành
Đến Tứ Kỳ vào một buổi chiều, bạn không khỏi sững sờ trước vẻ đẹp yên bình của một ngôi làng vùng nội thành. Đường làng vắng vẻ hơn trước, ánh nắng vàng hắt qua những tán lá vào những ngày đầu hè. Nhưng không vì thế mà không khí nhộn nhịp mua bán bún kém đi phần sôi động.
Là ngôi làng có truyền thống về nghề làm bún lâu đời với những bí kíp riêng trong cách chế biến, từ lâu bún Tứ Kỳ được xem như một món ăn không thể thiếu với người Hà Nội. Sống ở làng Tứ Kỳ hẳn ai cũng quen thuộc với tiếng chày giã gạo, tiếng kêu của máy móc, tiếng nói râm ran trong đêm của những hộ gia đình theo nghề sản xuất bún.
Nếu đã từng thưởng thức bún Tứ Kỳ cảm giác “ăn vào mát môi, trôi mát cổ” sẽ hấp dẫn mọi thực khách. Bún nơi đây được xem như món quà háp dẫn cho người Hà thành. Những sợi bún óng mượt, trắng bóng được biến tấu tạo ra biết bao món ngon nổi tiếng: bún chả, bún ốc, bún đậu mắm tôm, bún riêu… Mỗi món khi kết hợp với bún Tứ Kỳ lại có mùi vị khác nhau, song điều mà ai cũng nhận thấy đó chính là hương vị riêng của bún nơi đây không bao giờ mất đi.
Bún Tứ Kỳ được làm từ gạo Hải Hậu - thứ gạo hạt nhỏ, đều hạt, trắng thơm… và việc chọn gạo là khâu quan trọng khi làm bún. Tuỳ vào thời tiết, gạo được ngâm với thời gian vừa đủ để tạo độ dẻo cho bún rồi ép khô gạo thành thứ bột mịn, mát tay. Vắt bún là khâu cuối cùng đòi hỏi sự thành thạo từ người sản xuất. Nồi nước sôi già đặt trên bếp than rực lửa vắt mạnh tay cho những dòng bún chảy từng dòng xuống nồi nước rồi lấy tay khuấy đều. Khi bún chín vớt ra và dội gáo nước lạnh vào bún để mình bún được săn chắc và không bị dính. Có lẽ do được người làng Tứ Kì tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn nên bún nơi đây chan chứa nhiều hương vị ngọt ngào đến thế.
Bún Tứ Kỳ đựơc vắt theo rất nhiều kiểu dáng khác nhau phù hợp với mỗi món ăn. Kiểu bún nắm vắt tròn ăn kèm với chả, nem hay ăn cùng đậu mắm tôm. Bún rối dùng để ăn cùng những món canh nóng như: riêu cua, canh xương… Giá cả hợp lý, đa dạng kiểu dáng, hưong vị, màu sắc trong bún… tất cả làm nên tiếng tăm cho một làng nghề truyền thống.
Hàng năm, cứ vào rằm tháng 2, lễ hội thờ ông tổ nghề bún trong làng lại diễn ra nhằm tưởng nhớ cha ông đi trước, những người đã truyền lại cho con cháu nghề làm bún nổi tiếng này. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân làm bún trong làng hay những người nơi khác đến chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong việc sản xuất bún.
Yêu nghề, yêu những gì cha ông đã để lại bún Tứ Kỳ ngày càng có tiếng vang và chiếm ưu thế so với những loại bún khác. Những sợi bún dẻo, mịn, trắng bóng là niềm tự hào cho những người con làng nghề nơi đây.