Hương vị bốn mùa trong bánh đa kê
“Đồ nghề” để bán món bánh đa kê này thật đơn giản và gọn nhẹ. Chỉ cần một cái thúng nhỏ, một cái mẹt vừa vặn so với miệng thúng, một túi bánh đa vừng đen giòn tan và tất nhiên không thể thiếu nguyên liệu để tạo nên hương vị của chiếc bánh đa kê: một nồi nhỏ kê. Kê được nấu đặc sền sệt, vàng quánh, thơm ngậy và có mùi hơi nồng nồng rất đặc trưng. Bên cạnh đó không thể thiếu được đậu xanh thơm mát và đường kính.
Cách làm món bánh đa kê này đơn giản nhưng cần sự cẩn thận, tỉ mỉ. Ngoài đậu xanh đồ chín, giã nhuyến, bánh đa nướng thơm lừng, đường trắng ngọt ngào thì kê là nguyên liệu quan trọng nhất của món ăn này. Người làm hàng phải chọn những hạt kê nhỏ đã xát vỏ, đãi sạch rồi ngâm kê với tỉ lệ một phần nước, hai phần nước vôi loãng trong khoảng 30 phút. Sau đó vớt ra để ráo, cho kê vào nồi đổ một ít nước.
Để kê có mùi thơm ngậy và quánh thì người nấu phải quấy thật đều tay sao cho kê không bị nát quá, không bị khô quá. Và kị nhất là không được để kê bén nồi nếu không mùi khê sẽ làm át hết vị ngậy và thơm của kê.
Mỗi khi có khách gọi, cô bán hàng lấy bánh đa ra, bẻ thành những miếng hình tam giác. Bánh đa kê muốn ngon thì bánh đa phải đảm bảo được độ giòn và có thật nhiều vừng. Tiếng bánh đa vỡ nghe rôm rốp, giòn tan kích thích cái dạ dầy thèm ăn của những vị khách đang sốt ruột chờ đợi.
Những người khoái khẩu với món ăn dân dã này chắc không còn lạ gì hình ảnh cô bán hàng tay thoăn thoắt phết đều kê lên một mặt của miếng bánh đa một lớp dày. Sau đó lại với con dao nhỏ trên tay cắt nắm đỗ mịn nhuyễn, đỗ cứ thế rơi như mưa xuống che phủ kín cả mặt kê. Tuỳ theo khẩu vị của từng người mà cô bán hàng cho lượng đường phù hợp.
Thường khách hàng là các cô gái trẻ thường yêu cầu một lượng đường ít hơn vì sợ béo. Những hạt đường kính lạo xạo màu trắng phủ kín lớp đỗ vàng ươm. Cuối cùng, cô bán hàng gập đôi miếng bánh đa lại sao cho đường và đậu xanh không bị rơi ra ngoài. Thế là ta đã có một chiếc bánh đa kê thật ngon lành rồi!
Bánh khi làm xong phải ăn ngay thì mới ngon, nếu để lâu khảng 5 phút, bánh đa sẽ bị ỉu đi không còn độ giòn nữa, khi đó hương vị cũng giảm đi mất quá nửa. Đưa chiếc bánh đa kê vào miệng, khi cắn bánh đa kêu “đrộp … đrộp ….”, tiếng lạo xạo của những hạt đường trắng tan dần rồi ngọt lịm thấm vào đầu lưỡi như làm tan đi những cái oi nóng của mùa hè. Vị giòn thơm của vừng, vị man mát của kê, vị bùi bùi của đậu xanh, tất cả như quện vào nhau làm tê mát đầu lưỡi người thưởng thức.
Trong cái tiết trời oi bức, ngột ngạt của nắng mới thì vị giòn – mát – ngọt – bùi của bánh đa kê làm chúng ta không thể cưỡng lại. Bánh đa kê là sự lựa chọn hấp dẫn cho chúng ta sau khi đã ngấy những món ăn quá nhiều chất béo. Bốn vị giòn – mát – ngọt – bùi của bánh đa kê cũng giống như sự giao hoà của bốn mùa Xuân – Hạ - Thu - Đông vậy. Nó khiến ta nhớ mãi không quên…