Hành trang lữ khách

Đến hồ Lắk nghe tiếng chiêng của người Mnông

Cập nhật: 22/10/2010 10:10:00
Số lần đọc: 2352
Lưu lại bên hồ Lắk - một danh thắng nổi tiếng của tỉnh Đắk Lắk - du khách sẽ được nghe tiếng chiêng từ buôn cổ M’liêng, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, da diết vọng về lan tỏa trên mặt hồ Lắk mênh mông như là nhịp cầu nối dắt du khách đến cội nguồn xa xưa, khi người M’nông R’lâm về đây khai khẩn lập buôn.
Ở đây, du khách sẽ được diện kiến người tấu chiêng, đó là già làng Y Te Ông, một người được ví như là “báu vật sống” gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

Già làng Y Te Ông thường tiếp khách trong ngôi nhà dài truyền thống của người M’nông, tọa lạc giữa lòng buôn cổ M’liêng. Ngôi nhà với hàng chục chiếc cột bằng gỗ quý to tày vòng tay người ôm ấy đã có tuổi thọ hàng trăm năm.

Ông kể rằng ở M’liêng còn rất nhiều gia đình lưu giữ được ghế Kpan - là nơi trang trọng để các nghệ nhân ngồi diễn tấu công chiêng trong các dịp lễ hội của người M’nông với chiều dài hơn 20m, lòng ghế rộng hơn một mét; cùng nhiều chiêng cổ, ché cổ, trống làm bằng da hai con trâu lớn, trống da voi còn được lưu giữ. Những thứ này hồi xưa giá trị bằng cả đàn trâu, mấy con voi. Người M’nông xem chúng là những vật thiêng, vật quý giá nhất của mỗi gia đình, cộng đồng.

Già làng Y Te Ông cũng không biết là buôn M’liêng có từ bao giờ. Lớn lên, già đã thấy buôn M’liêng đông vui lắm. Nhờ biết làm lúa nước, lại nằm bên hồ Lắk đầy sản vật tự nhiên nên cuộc sống của người M’nông ở đây luôn no ấm, buôn làng trù phú.

Hơn chục năm liền, Y Te Ông làm già làng của buôn M’liêng, ông chỉ nghỉ hơn ba năm nay do sức khỏe yếu: “Giờ cái chân đi nhiều nhanh mỏi rồi, đi không nổi nữa, phải để người khác làm già làng thôi.” Nhưng khi nhắc đến những giá trị văn hóa truyền thống của người M’nông như cồng chiêng thì ánh mắt già làng Y Te Ông lại vụt sáng lên, giọng sôi nổi lạ thường.

Ông cẩn thận lấy hai bộ chiêng cổ trên ghế Kpan xuống và tâm sự: “đây là những thứ quý giá nhất của mình đấy. Vì nó là của ông bà mình để lại từ nhiều đời nay. Khi nghe tiếng của nó tấu lên là mình như sống lại không khí lễ hội ngày xưa, như được quây quần cùng ông bà, cha mẹ mình vậy.”

Hai bộ chiêng này có tên là dàn chiêng Kđơ của người M’nông. Mỗi bộ gồm 12 chiếc, gồm sáu chiếc lớn và sáu chiếc nhỏ, chiếc lớn nhất có đường kính gần một mét.

Ông còn có một chiếc chiêm Lào được xem là cổ nhất và rất quý hiếm, được tổ tiên đổi bằng một con voi có cặp ngà dài. Tiếng của chiếc chiêng này khi đánh ngân vọng từ bờ bên này sang bờ bên kia của hồ Lắk; người ở buôn Triết, buôn Tría ở cách xa hàng chục cây số cũng nghe rõ lời chiêng.

Trong dàn chiêng này còn có ba chiếc chiêng Bkút cũng quý không kém, vì có pha đồng đen. Bkút tiếng M’nông có nghĩa là con trâu đực sừng ngắn hoặc không có sừng. Người M’nông rất quý loại trâu này, mỗi con trâu Bkút bằng giá hai con trâu đực thường. Một chiếc chiêng Bkút có giá trị bằng 15 con trâu Bkút.

Rồi giọng già làng chợt chùng xuống đượm buồn: “Có nhiều người vào hỏi mua chiêng của mình, nhưng mình quyết không bán, mà để giữ lại cho con cháu. Nhưng bây giờ nhiều người không quý cồng chiêng như xưa đâu, bọn trẻ giờ thích chơi guitar nghe nhạc nhẹ, ráp, nhảy hiphop hơn là đánh cồng chiêng, múa xoang nghe hát dân ca.”

Nếu là ngày xưa, với hai bộ chiêng quý nhà Y Te Ông sẽ được xếp vào hạng khá giả của buôn M’liêng, nhưng giờ đây, nhà ông lại thuộc diện hộ nghèo nhất buôn. Y Te Ông có chín người con gồm tám gái và một trai nhưng đều lớn lên lập gia đình, tách hộ ở riêng cả. Những năm gần đây, cả hai ông bà đều đã già yếu, không thể làm việc đồng áng.

Ngày ngày quanh quẩn ở nhà, niềm vui duy nhất còn lại là lau chùi những chiếc chiêng quý, tấu lên những bài chiêng mà bọn trẻ bây giờ ít đứa biết để hồi tưởng đến ngày xưa - cái ngày xưa với lễ hội quang năm cùng tiếng chiêng rộn rã. Rồi ông đọc cho chúng tôi những lời văn người xưa mô tả về tiếng chiêng."

Đánh nhẹ cho gió lùa xuống đất, đánh cho vang khắp vùng; rung cho tiếng lùa qua đầm, làm cho bầy ma quên hại con người, làm cho chuột sóc quên đào hang, làm cho rắn luồn ra khỏi lỗ, làm cho hươu nai đứng mà ngó, làm cho thỏ lắng tai nghe quên cả nhai cỏ non...”

Ông tâm sự: “Đêm nào không có tiếng chiêng là thấy buồn, nhớ da diết. Nhiều nhà trong buôn cũng còn giữ lại được chiêng quý nhưng chỉ thường đem ra phục vụ các hoạt động văn hoá tại Nhừ văn hóa cộng đồng, thi thoảng biểu diễn phục vụ khác du lịch. Còn lễ hội xưa giờ gần như chỉ còn trong tâm trí người già thôi.”

Già làng Y Te Ông day dứt: “Trước khi về với tổ tiên ông bà, mình sẽ trao hai bộ chiêng quý này cho đứa con nào mê chiêng và giỏi diễn tấu cồng chiêng nhất trong mấy đứa con của mình. Nhưng mấy đứa giờ vẫn còn mải mê làm ăn, chưa quý cái chiêng như mình nên khó quá!”.
Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục