Tổng cục Du lịch Việt Nam tham dự Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Nhật Bản
Đây là sự kiện thường niên của Tổ chức Du lịch Thế giới được tổ chức tại một nước thành viên của Tổ chức này trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đại diện Vụ Lữ hành và Vụ Hợp tác quốc tế của Tổng cục Du lịch Việt Nam đã tham dự các cuộc họp này.
Kobe, với dân số khoảng 1,5 triệu là thành phố nổi tiếng của Nhật Bản với biệt danh “thành phố quốc tế”. Kobe hấp dẫn bởi được núi và biển cả bao bọc, ẩm thực, các di tích lịch sử và văn hoá. Kobe đã nỗ lực phi thường để vượt qua thảm họa động đất năm 1995 và đã nghiên cứu, xây dựng 1 kế hoạch ngăn ngừa thảm hoạ để xây dựng lại thành phố này thành một thành phố tiện nghi hơn, an toàn và an ninh hơn.
Lễ khai mạc Hội nghị đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế của thành phố Kobe vào sáng ngày 09/6/2008. Ông Frangialli, Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới và ông Tetsuzou Fuyushiba, Bộ trưởng Bộ Địa chính, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã có bài phát biểu tại Lễ khai mạc này. Các thành viên của Uỷ ban Đông Á - Thái Bình Dương và Uỷ ban Nam Á của Tổ chức Du lịch Thế giới thường xuyên gặp gỡ để cùng lập các báo cáo trao đổi và trình bày về các hoạt động khu vực, trình bày công trình nghiên cứu của Tổ chức Du lịch Thế giới về thị trường lao động trong lĩnh vực du lịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chương trình hội nghị 3 ngày đã bắt đầu với Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương về du lịch đô thị do Tổ chức Du lịch thế giới và Bộ Địa chính, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cùng phối hợp tổ chức. Đây là Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về du lịch đô thị, tiếp sau hai hội nghị đã tổ chức ở Thượng Hải (Trung Quốc) năm 2006 và thành phố Bu San (Hàn Quốc) năm 2007.
Tổ chức Du lịch thế giới nhận thấy rằng du lịch đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với khu vực đô thị trong dòng chảy du lịch toàn cầu vì các đầu mối giao thông quan trọng tự nó đã biến thành điểm hấp dẫn du lịch. Tăng trưởng du lịch đô thị ở nhiều thành phố lớn đã tạo ra những thách thức mới đối với phát triển du lịch, quản lý và marketing trong thị trường toàn cầu ngày càng cạnh tranh.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có một trong những tốc độ tăng trưởng đô thị cao nhất thế giới do tăng trưởng dân số cao và tình trạng nhập cư lớn vào các trung tâm đô thị. Xu hướng này tạo ra những thách thức lớn đối với du lịch vì đòi hỏi phải xây dựng cơ sở hạ tầng mới và nhu cầu bảo tồn các di sản văn hoá.
Mục tiêu chính của diễn đàn này là thảo luận về ảnh hưởng của du lịch đối với sự phát triển của khu vực đô thị, để phân tích các nhân tố tác động tới chính sách và chiến lược vĩ mô về phát triển du lịch đô thị và để trao đổi về làm thế nào để phát triển và quản lý du lịch đô thị một cách bền vững trong tương lai. Hội nghị đã thảo luận những đóng góp của du lịch đối với nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của các đô thị, phát triển nguồn lực sáng tạo và văn hoá của khu vực đô thị cho du lịch, trải rộng lợi ích của du lịch trong khu vực đô thị, vai trò của Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác trong việc phát triển bền vững khu vực đô thị như lập kế hoạch, đào tạo/xây dựng năng lực và marketing. Diễn đàn đã thu hút sự tham gia các quan chức của các Cơ quan du lịch quốc gia và Tổ chức quốc tế, các chuyên gia, học giả Nhật Bản và nước ngoài, cả từ lĩnh vực công và tư nhân để trao đổi kinh nghiệm, đưa ra những ý tưởng giá trị và cung cấp những hướng dẫn cho khía cạnh kỹ thuật của phát triển du lịch. Hội nghị bao gồm hai phiên họp chính và một bài phát biểu chủ chốt có tiêu đề “Du lịch đô thị: xu hướng hiện tại và triển vọng tương lai”. Phiên họp đầu tiên bao gồm các bài trình bày về các thành phố lớn trên thế giới như Mađrid ở Tây Ban Nha, Băng Cốc ở Thái Lan và Niu Đê-li ở Ấn Độ. Phiên họp thứ hai bao gồm các bài trình bày về du lịch đô thị ở Nhật Bản như bài trình bày về thành phố Tokyo và thành phố Kobe.
Hai ngày Hội nghị tiếp theo là các phiên họp chung của Uỷ ban Đông Á - Thái Bình Dương và Uỷ Ban Nam Á của Tổ chức Du lịch thế giới cũng như phiên họp riêng của từng Uỷ ban này. Mỗi Uỷ ban đã tập trung vào một số vấn đề về chương trình nghị sự đã được các thành viên Uỷ ban thống nhất, trình bày khái quát về thành tựu du lịch của mỗi nước trong năm 2007 và thảo luận quyết định cho các cuộc họp thường niên của các Uỷ ban trong thời gian tới.
Chính phủ Nhật Bản rất quan tâm đến Hội nghị này. Trong 3 ngày diễn ra Hội nghị, Bộ trưởng và 2 Thứ trưởng của Bộ Địa chính, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch của Nhật Bản, thị trưởng thành phố Kobe và nhiều lãnh đạo quan chức của các Bộ ngành liên quan và chính quyền thành phố Kobe, Osaka đã lần lượt tham dự Hội nghị và tổ chức tiệc chiêu đãi các thành viên tham dự Hội nghị này. Kết thúc Hội nghị, các đại biểu dự Hội nghị đã được Ban Tổ chức Hội nghị tổ chức đi tham quan một số điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Kobe và Vùng Hyogo. Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới và các thành viên tham dự Hội nghị đã đánh giá rất cao sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt thành và lòng mến khách của các cơ quan Chính phủ của Nhật Bản cũng như thành phố nơi diễn ra Hội nghị, góp phần vào thành công của Hội nghị.
Năm 2009, I Ran đã được chọn là nước đăng cai Hội nghị và các phiên họp thường niên lần thứ 21 của hai Uỷ ban này của Tổ chức Du lịch thế giới. Tại phiên họp chung của 2 Uỷ ban, đại diện của Tổng cục Du lịch Việt Nam đã trình bày đề nghị được đăng cai tổ chức sự kiện thường niên này vào tháng 6/2010 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội và đã được 100% đại biểu dự Hội nghị nhất trí thông qua. Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới đã chúc mừng đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam đã được Hội nghị chấp thuận cho phép đăng cai sự kiện thường niên này. Như vậy, Tổng cục Du lịch Việt Nam sẽ tiếp nhận quyền đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên của Uỷ ban Đông Á - Thái Bình Dương và Uỷ ban Nam Á lần thứ 22 của Tổ chức Du lịch thế giới tại Hội nghị thường niên lần thứ 21 của 2 Uỷ ban này tại Tehran, nước Cộng hoà Hồi giáo I Ran vào tháng 6/2009.