Non nước Việt Nam

“Mbăng” Katê ở Phan Thiết, Bình Thuận

Cập nhật: 25/10/2010 14:10:51
Số lần đọc: 2383
“Mbăng” Katê tức là ăn lễ Katê của người Chăm. Lễ hội là dịp để hội tụ gia đình dâng cúng tổ tiên, ông bà, những người có công. Lễ Katê thường diễn ra vào ngày đầu tháng 7 Chăm lịch - khoảng tháng 10 Dương lịch và kéo dài đến một tháng. Vào những ngày này, các tháp Chăm ở dải đất miền Trung đầy sắc màu trong không gian rộn ràng.

Nhắc đến lễ Katê, nhiều người nghĩ đến đến 2 khu tháp Chăm ở Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Phan Rang-Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) là nơi diễn ra các nghi thức thờ cúng được giữ gìn lưu truyền từ bao đời. Khoảng năm năm trở lại đây, nghi thức cổ truyền đã được phục dựng lại tại khu vực tháp Pô Sah Inư ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Hiện nay thay vì vượt đường xa đến Phan Rang, Nha Trang để “Mbăng” Katê, nhiều người chọn điểm đến là Phan Thiết dự lễ.

Quần thể tháp Pô Sah Inư gồm 3 tháp tồn tại khoảng 10 thế kỷ nằm trên đồi Bà Nài, gần lầu Ông Hoàng thuộc phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết. Tương truyền rằng, công chúa Pô Sah Inư - con gái của vua Para Chanh là một người tài sắc vẹn toàn. Bà có công dạy cách ứng xử, dạy nghề đánh cá, làm gốm, dệt vải cho cư dân Champa ở Pajai - tức Phú Hài. Người dân rất tôn kính bà. Bà được nhân dân thần thánh hóa và lập đền thờ để ghi công... Tháp thờ công chúa có cách nay hơn 5 thế kỷ hiện nay chỉ còn lại nền móng bằng gạch. Tuy nhiên, quần thể tháp vẫn mang tên công chúa.

Lễ Katê của người Chăm có thể hiểu như lễ Đon-ta của người Khmer, tức là lễ để tưởng nhớ những người đã khuất vào thời điểm thu hoạch vụ mùa đã xong. Những người tại thế dâng cúng những gì mình làm ra lên tổ tiên, thần linh đã phù hộ mình và mang lại mùa màng tươi tốt trong suốt năm qua. Nếu người Khmer múa lâm-thôn trong tiếng nhạc ngũ âm rộn ràng thì những K’lu (con trai) và những Kamei Tàrà (con gái) người Chăm cũng uyển chuyển trong các điệu múa dân gian. Tiếng trống Ba-ra-nưng rộn ràng hòa điệu cùng tiếng kèn Sa-ra-nai réo rắt, tạo nên những cung bậc âm thanh trầm bổng giữa núi đồi. Hằng năm, dịp lễ Katê, người Chăm khắp nơi trong tỉnh đổ về đây cúng tháp trước khi làm lễ Katê ở làng và gia đình.

Sau thời gian dài gián đoạn, lễ được phục dựng lại vào năm 2005, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sản phẩm du lịch văn hóa phục vụ du khách. Lễ Katê năm nay diễn ra vào ngày 6 và 7/10 Dương lịch - tức 30/6 và 1/7 Chăm lịch. Các nghi thức lễ cúng truyền thống được thực hiện bên cạnh các hoạt động văn hóa phong phú. Những dòng người xiêm y truyền thống chỉnh tề, đầu đội lễ vật về dâng cúng các vị thần linh và công chúa Pô Sah Inư đổ về điểm lễ. Du khách có thể chứng kiến dòng người nối gót nhau dài cả cây số trên đường vào tháp. Dòng người này càng dài gấp nhiều lần khi diễn ra lễ rước kiệu và y trang của công chúa lên tháp thờ. Không khí nghiêm trang và rực rỡ sắc màu. Du khách đến đây sẽ được dịp chứng kiến và tìm hiểu các nghi thức cúng bái truyền thống của người Chăm với các hoạt động nhuộm màu tâm linh nhưng không có tình trạng mê tín dị đoan.

Sau khi các hoạt động cúng bái tại tháp đã xong, người người nhóm họp trước cửa tháp hòa mình vào những vũ điệu, âm thanh của các nghệ nhân. Nếu vũ điệu Apsara uyển chuyển thì vũ điệu múa dâng quả nhịp nhàng và rộn ràng. Du khách đứng xem cũng lắc lư, vui say cùng điệu nhạc.

Không khí lễ hội “Mbăng” Katê ở Phan Thiết bởi không kém so với ở Nha Trang và Phan Rang. Du khách tự do hòa mình vào không gian lễ hội, tham gia vào các vũ điệu hay trổ tài vỗ trống, thổi kèn theo sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Dịp này, các phụ nữ Chăm cũng trình làng các khung dệt tại sân tháp để biểu diễn các “ngón” dệt thổ cẩm độc đáo. Du khách có thể ngồi vào khung dệt để dệt những đường thổ cẩm làm quà lưu niệm cho người thân, bạn bè. Người Chăm vốn rất thân thiện nên du khách dễ bị thuyết phục ngay lần tiếp xúc đầu tiên. Đó cũng chính là “sản phẩm du lịch” giữ chân được du khách và lôi kéo khách đến lễ hội. Nếu còn nhiều thời gian, du khách có thể đến các làng của người Chăm ở Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình... để ăn lễ Katê làng rồi đến gia đình sau khi kết thúc lễ ở Kalan (tháp).

Đến Phan Thiết ăn lễ Katê cùng người Chăm, du khách còn có cơ hội lướt sóng, dù lượn tại làng resort Mũi Né và cả trượt cát, chinh phục những ngọn đồi cát bay. Không ai cưỡng lại được khi nhìn thấy biển Mũi Né - mà không nhảy ào xuống lặn ngụp cho thỏa.

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT