Non nước Việt Nam

Tiếng trống thiêng của người Dao

Cập nhật: 26/10/2010 11:06:15
Số lần đọc: 2390
Từng hồi trống đầy đặn, khoẻ khoắn vang lên trong không gian tĩnh lặng của núi rừng như đưa người nghe ngược thời gian quay lại với những tiềm thức của cha ông về giá trị và ý nghĩa sự sinh tồn.Không biết tự bao giờ, tiếng trống đã ăn sâu vào đời sống tâm linh của người Dao miền biên cương phía Bắc của Tổ quốc.

Người Dao tin rằng, trống có một sức mạnh thiêng liêng, là điểm tựa, chỗ dựa để họ khẳng định mình. Ở vùng núi phía Bắc còn lưu giữ truyền thuyết về cơn đại hồng thủy thuở xa xưa, nhờ chui vào chiếc trống mà hai người, một trai một gái, cùng với những cặp gia súc, gia cầm và giống má... mới thoát chết, rồi tái tạo sự sống trên thế gian.

Những già bản người Dao bảo rằng, trống là hiện thân của Thần Sấm, tiếng trống là tiếng của thần gọi mưa, dồn mây, đuổi gió. Chính vì ý nghĩa thiêng liêng như vậy nên trống của người Dao được cất giữ rất cẩn thận, chỉ đem ra đánh vào nhưng ngày trọng đại.

Để chế tác được một chiếc trống như ý, nghệ nhân người Dao phải lên núi cao tìm cho bằng được cây gỗ Trâm, tiếng Dao là "Tràng phìn đẻn", khéo léo cưa, đục, đẽo thành tang trống.

Da bò, da dê núi là nguyên liệu làm mặt trống tốt nhất. Dây mây núi dẻo dai, được chẻ thành sợi, xoắn lại dùng để nối mặt trống và vót những thanh gỗ nhỏ nêm căng da trống.

Nét độc đáo là mặt trống không đóng đinh "chết" vào tang trống mà dùng bộ dây mây nối vào hai mặt da trống. Sau đó, dùng nêm đóng chặt vào thành tang trống để kéo căng sợi mây đan vào với nhau, khiến cho da mặt trống căng.

Tang trống tròn, được khéo léo dùng da bò hoặc da dê bịt kín mặt với kiểu dáng độc đáo, tinh xảo của nghề thủ công. Khi gõ, tiếng trống vang vọng núi rừng lúc trầm, lúc bổng.

Cũng giống như ở một số dân tộc vùng cao phía Bắc, trống của người Dao có ba loại là trống lớn, trống nhỡ và trống nhỏ.

Trống nhỡ và trống nhỏ được sử dụng nhiều trong dàn nhạc đệm các bài hát, điệu ca múa; trống lớn có chức năng đặc biệt riêng của mình trong nghi lễ nông nghiệp.

Người đánh những tiếng trống lớn đầu tiên thường là các già làng, trưởng bản bởi ở một góc độ tâm linh nhất định, trống lớn chính là biểu tượng quyền uy của người đứng đầu các bản làng, người nắm giữ một "năng lượng thiêng" rất quan trọng cho sự thành bại của mùa màng.

 

Nguồn: danviet

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT