Non nước Việt Nam

Nồng say xoè Thái (Yên Bái)

Cập nhật: 21/10/2010 10:10:51
Số lần đọc: 2094
Có người nói rằng vào Mường Lò, tắm suối nước nóng bản Bon, thưởng thức xôi ngũ sắc, lâng lâng với rượu men lá... mà chưa say điệu xoè Thái thì chưa vui hết cuộc vui Mường Lò.

Mải mê ngắm em gái Thái nhịp nhàng trong điệu xoè với chiếc khăn thổ cẩm muôn màu hay tự mình nhập cuộc, tay trong tay, miên man trong điệu xoè hoa, quanh ánh lửa bập bùng, dưới ánh trăng chan hoà trời đất mới hiểu ai đó nói dường như không quá.

 

"Không xoè không vui, không xoè cây lúa không trổ bông, không xoè cây ngô không ra bắp, không xoè trai gái không thành đôi" - câu dân ca Thái từ ngàn xưa đã khẳng định vị thế điệu xoè trong đời sống người dân Thái đất này. Từ những cuộc vui nhỏ của gia đình như lễ mừng nhà mới, đám cưới, hỏi... cho đến những lễ hội lớn của bản làng như hội rằm tháng Giêng, tết xíp xí, lễ hội hái hoa ban, lễ mừng cơm mới... khó có thể vắng bóng điệu xoè hoà nhịp cùng lời ca, tiếng khắp trong thanh âm rộn ràng, tha thiết của những khèn bè, trống, chiêng, tằng bẳng, mắc hính...

Không đơn giản chỉ là những điệu múa trong các cuộc vui mà mỗi một động tác, một dáng đi, dáng đứng, một cách xếp đội hình, cách chuyển động đều là những cung bậc, sắc thái khác nhau mà điệu xoè mang theo. Đó là tình yêu cuộc sống, tình cảm nam nữ, khát vọng trong lao động, chiến đấu, sản xuất.... được người Thái bao đời nay gửi gắm vào từng điệu xoè.

 

Theo sử sách và nhiều phong tục tập quán còn lưu lại, có thể nói Mường Lò là một trung tâm Thái cổ ở Việt Nam. Chính vì vậy, đây cũng là nơi còn lưu giữ lại nhiều điệu xoè cổ người Thái trước đây. 15 năm trước, những nghệ nhân Thái đã thành công trong việc khôi phục những điệu xòe cổ.

 

15 năm qua, sau những nỗ lực khôi phục và gìn giữ, người Thái Mường Lò đã có thể diễn được sáu điệu xoè được coi là một số điệu xoè cổ phổ biến nhất trong đời sống của người Thái cổ. 6 điệu xoè này có thể diễn độc lập trong từng hoàn cảnh khác nhau nhưng nó cũng là những điệu xoè trong một tổng thể sống động, hoàn chỉnh, vẹn tròn ý nghĩa. Chén rượu cay cay mà nồng ấm lòng hiếu khách luôn là khởi đầu sự gặp gỡ, làm quen của người Tây Bắc. Người Thái Mường lò mang cả tấm chân tình hiếu khách ấy vào điệu múa Khắm khăn mơi lảu nghĩa là Nâng khăn mời rượu. Như chính tên gọi của điệu xoè, người xoè hai tay nhẹ nhàng uyển chuyển nâng chiếc khăn, mời chén rượu đầy với tất cả tình cảm trân trọng, tấm lòng quý khách.

 

Cái nồng ấm trong hơi rượu, sự thân tình trong điệu múa... không ai có thể khước từ. Mang ý nghĩa thể hiện sự tươi vui phấn khởi khi mùa màng bội thu, điệu xoè Nhôm khăn tức Tung khăn là điệu xoè sôi động, nhộn nhịp nhất với chiếc khăn thổ cẩm sặc sỡ quàng qua cổ, hai tay tung khăn theo nhịp điệu. Chiếc khăn thổ cẩm trong điệu xoè này cũng là sự thể hiện thành quả lao động đầy tinh tế. Điệu xoè Đổn hôn (Múa tiến lùi) lại khẳng định dù trời đất đổi dời nhưng tình người vẫn vẹn nguyên, cuộc sống có lúc nghiêng ngả nhưng lòng người thì không đổi thay. Với điệu xoè Phá xí (xoè Bổ bốn) vòng xoè lại được tách ra từng nhóm bốn người một tay cầm tay nhau có ý cho rằng dù có đi bốn phương trời, mười phương đất, mỗi người có lúc chia xa nhưng vẫn luôn hướng về nhau, về cội nguồn cội. Và phổ biến nhất là điệu Khắm khen tức Nắm tay.

 

Có thể chỉ là hai những cũng có khi vài trăm người nắm tay nhau thành một vòng xoè, rồi có thể là một hay nhiều vòng xoè. Trong ánh lửa bập bùng được nổi lên giữa vòng xòe, tay nắm tay,vai chạm vai, chân nhịp bước theo chân, nhẹ nhàng, để vòng xoè cứ xoay mãi, xoay mãi…lúc đông người trở thành đại xoè. Vòng xoè thật náo nhiệt, rộn ràng không ai không hoà vào vòng xoè để vòng xoè cứ rộng thêm ra mà vẫn ấm tình đêm hội. Người ta bắt gặp một tinh thần đoàn kết, tính cố kết cộng đồng khi vui khi buồn cùng có nhau trong điệu xoè này. Khắm khen còn là tiền đề để phát triển lên những tiết mục dân vũ của dân tộc Thái như múa hái bông dệt vải, hoa suối, múa quạt…

 

Cuối cùng là điệu xoè Ỏm lọm tốp mư tức Vòng tròn vỗ tay được phát triển từ điệu Khắm khen, khác là người xoè không nắm tay nhau mà hai tay vỗ vào nhau lúc bên phải, lúc bên trái…Chia sẻ niềm vui trong cộng đồng khi chiến thắng, khi mùa màng bội thu, khi mừng năm mới, khi dựng vợ gả chồng…được gửi gắm trong điệu xoè tưng bừng, rộn ràng này.


6 điệu xòe cổ cũng là khởi nguồn của 36 điệu xòe miền Tây Bắc hôm nay. Gìn giữ vốn liếng văn hóa vô giá đó, những nghệ nhân già vùng Mường Lò đã không tiếc công sức truyền dạy cho con cháu. Song, sự tự nhiên, dân dã vốn là hồn cốt của những điệu xòe cổ, bởi vậy, để xòe đẹp, những người Thái trẻ phải xòe với tất cả sự tự nhiên như cuộc sống thường ngày cùng tình yêu quê hương, làng bản và bản sắc văn hóa đậm đà của dân tộc mình. Để hôm nay, đến Mường Lò, người lữ khách cùng miên man say điệu xòe hoa.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT