Thơm mát bánh tro Đắc Sở (Hà Nội)
Kho tàng ẩm thực Việt
Nước ta cũng có nhiều nơi còn nghề truyền thống bánh tro như bánh tro Tây Đình (Vĩnh Phúc), bánh gio Lạng Sơn hay vào miền Trung với bánh tro xứ Quảng. Tuy thế, bánh tro Đắc Sở vẫn được “ưu ái” hơn bởi sự dân dã trong việc dùng nguyên liệu để có được miếng bánh nuột nà với nhẹ nhàng, thanh mát.
Theo người dân Đắc Sở, từ xa xưa, chiếc bánh tro đã được coi như một sản vật quê nhà không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên mỗi dịp lễ tết truyền thống của người dân nơi đây. Những ngày lễ tết như dịp tết Nguyên Đán, giỗ chạp họ hay ngày Rằm, mùng Một trong tháng mỗi gia đình đều phải làm cho được mẻ bánh tro dâng lên tổ tiên. Đến nay, không riêng gì ngày lễ tết, bất cứ ngày nào trong năm, người dân Đắc Sở vẫn coi đây như một đặc sản quê nhà và nghề làm – bán bánh tro cũng trở thành nghề nuôi sống nhiều gia đình vùng quê xứ Đoài này.
Để làm được một mẻ bánh tro thường phải mất cả ngày với nhiều công đoạn từ chế nước tro, ngâm rửa lá rong, ngâm gạo đến gói bánh và luộc bánh. Nguyên liệu chính từ gạo nếp nhưng miếng bánh tro lại có vị thanh mát đặc biệt bởi khi trong khi làm, người nghệ nhân xứ Đoài đã khéo léo dùng thêm chút nước vôi trong. Nước vôi trong khiến bánh mềm mại, có hương vị giống với bánh đúc truyền thống và kết hợp với hương thơm đặc trưng của lá dong khiến người ta không thấy ngán khi ăn, dù ăn nhiều hay trong thời tiết nóng nực mùa hạ.
Mẻ gạo nếp đầu mùa được ngâm kỹ với nước tro (ngâm khoảng ba tiếng với nước tro từ cây dền gai, rơm nếp hay tro vỏ bưởi và đánh với nước vôi trong). Chính sự cầu kỳ trong việc ngâm gạo, gói bánh và luộc bánh đã tạo nên miếng bánh tro nuột nà, vàng óng, có hương vị thanh mát và trở thành món đặc sản hấp dẫn mang biểu trưng xứ Đoài.
Nguyên liệu để làm bánh đều từ những sản vật của đồng quê nên miếng bánh tro xứ Đoài có vị rất nhẹ nhàng, dễ ăn. Đã trải qua hàng trăm năm nhưng bánh tro Đắc Sở vẫn nức danh và được người Hà thành ưu ái thưởng thức trong dịp mùa hạ oi bức.