Non nước Việt Nam

Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Minh Cầm (Tuyên Quang)

Cập nhật: 01/11/2010 09:15:18
Số lần đọc: 3135
Đình làng Minh Cầm thuộc thôn Hòa Bình, xã Đội Bình (Yên Sơn). Minh Cầm là tên gọi của trang Minh Cầm xưa, thuộc phủ Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Theo truyền thuyết, hai vị tướng là Cao Sơn và Quý Minh (thời Hùng Vương thứ 18), sau khi dẹp loạn đã về mở yến tiệc khao quân tại đây. Để tưởng nhớ công ơn của hai vị tướng tài, nhà vua cho phép nhân dân ở trang Minh Cầm lập đền thờ hai ông, đó là Đền Thượng. Hiện nay không còn dấu tích của Đền Thượng, hai vị tướng được nhân dân thờ tại đình Minh Cầm.

Đình Minh Cầm có phong cách kiến trúc thời Nguyễn, đầu thể kỷ XX. Đình được dựng trên khu đất bằng phẳng, phía Đông giáp núi Đền thuộc thôn Chiến Thắng, phía Tây giáp thôn Dân Chủ, phía Nam giáp thôn Cầu Chéo, phía Bắc giáp thôn Tân Thành. Trải qua thời gian, ngôi đình cổ không còn nữa, đình Minh Cầm hiện nay được nhân dân địa phương xây dựng lại vào năm 1935, trên địa điểm ngôi đình cũ. Đình có hướng nhìn về phía Tây. Theo quan niệm của người xưa thì đó là hướng của thần linh. Ngôi đình có 3 gian, 2 chái, lợp lá cọ, dài 15 mét, rộng 8 mét. Trên gác là gian thờ, để bài vị của hai vị tướng, gian trong cùng là nơi để các đồ vật cúng, gian thứ 2 và gian thứ 3 là nơi để dân làng thực hiện các nghi lễ. Phía bên trái cạnh đình có cây đa cổ thụ, dưới gốc đa thờ thần Thổ địa. Phía Đông Nam ngôi đình có Miếu Ông (thờ ông Quan Lãnh là người Cao Lan cai quản trang Minh Cầm). Xung quanh phía xa ngôi đình còn có 3 chiếc giếng, là Giếng Thánh, Giếng Đình và Giếng Làng. Đình Minh Cầm hiện nay còn lưu lại 6 đạo sắc phong các triều vua ban
.

 
Lễ hội đình Minh Cầm tổ chức từ mùng 4 đến 10 tháng Giêng, thu hút hàng nghìn khách thập phương.

Đình Minh Cầm chiếm vị trí quan trọng trong tín ngưỡng của người dân, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương. Hàng năm, Lễ Hội khai xuân được tổ chức vào mùng 4 tháng Giêng. Đây là lễ tưởng nhớ ngày sinh của các vị thần. Trong ngày này, dân làng tổ chức lễ rước kiệu và các trò chơi dân gian như chọi trâu, tung còn, đánh đu, đi cà kheo, hát sình ca… Có năm, hội kéo dài từ mùng 4 đến hết mùng 10 tháng Giêng. Lễ Hạ điền được tổ chức vào tháng 4 âm lịch, các trò chơi thể hiện những công việc lao động như cày, bừa, cấy lúa…, với mong muốn mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ. Lễ Thượng điền tổ chức vào ngày 12 tháng 7 âm lịch, thời điểm mùa vụ vừa cấy xong, cầu cho nắng hạn qua đi, lúa được xanh tốt, mùa màng bội thu. Lễ Mừng cơm mới được tổ chức vào ngày 12 tháng 10 âm lịch. Cơm được nấu từ vụ lúa mới dâng lên Thành hoàng làng, báo cáo đã thu hoạch xong một mùa vụ mới. Lễ thòng mạ tổ chức vào ngày 25 tháng 12, nghi lễ chấm dứt công việc đồng áng trong năm.

Đình Minh Cầm đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật. Các lễ hội diễn ra tại đình Minh Cầm có tính cộng đồng cao, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tâm linh của nhân dân địa phương, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của con người trong mối quan hệ ứng xử với lịch sử, thiên nhiên.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT