Thác Bopla: Thắng cảnh đẹp của Lâm Đồng
Theo lời kể của đồng bào dân tộc bản xứ thì vào thời xa xưa, khi người Chàm cai trị Di Linh ngày nay, họ bắt người dân bản xứ phải đóng thuế bằng những sản vật của núi rừng như da thú, sừng tê giác, hươu nai và đặc biệt là ngà voi. Với ngà voi thì phải chọn cái to và người tù trưởng của bộ tộc nơi con thác đã tìm được một cặp ngà voi cao quá đầu người, ngựa phi qua cũng không được. Từ đó, vua Chàm thích quá nên đặt cho nơi này là Pố Pla và dòng thác cũng mang tên là Pố Pla.
Khi chỉ còn cách thác vài chục mét, bạn sẽ nghe thấy tiếng thác đổ và càng tiến lại gần thác bạn càng cảm nhận được vẻ hoang sơ của nó. Ấn tượng đầu tiên khiến bạn phải ngỡ ngàng là dòng thác cao 50m như một dải lụa trắng tinh đổ sầm sập xuống lòng hồ, tung bọt trắng xoá. Thiên nhiên ở đây đẹp như tranh vẽ, thác nước nằm gọn trong khu rừng nguyên sinh còn lưu giữ nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, hai bên thác là vách đá cao phủ rong rêu, rễ cây cổ thụ buông xuống, dòng suối chảy lặng lờ, len trong những tảng đá, hai bên bờ cây cỏ, hoa dại nở quanh năm chạy tít tắp về phía buôn làng, hơi sương bay khắp một vùng trời. Tất cả tạo nên vẻ đẹp vừa nguyên sơ, vừa huyền hoặc của núi rừng cao nguyên Di Linh.
Dưới thác là một cái hồ nhỏ do nước chảy lâu ngày tạo thành, cạnh hồ có những tảng đá lớn trông như những bàn đá của trời và có những cây cổ thụ cao to che mát cả một khoảng không. Đây là một thác nước đẹp, hùng vĩ vừa được tôn tạo thành khu du lịch sinh thái mới, là điểm dừng chân tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước, trên lộ trình hoặc trong những tour du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh lên Đà Lạt. Đồng bào các dân tộc bản địa sinh sống trên vùng đất này đã xem thác Bobla là biểu tượng của sự bất khuất, là sức mạnh của cư dân miền sơn cước, quê hương của chàng Liang Dăm, người đã có công đánh đuổi quân Chăm từng kéo lên quấy nhiễu buôn làng.