Non nước Việt Nam

Hội chè chát xứ Nghệ: Một sắc thái văn hóa

Cập nhật: 11/11/2010 08:11:49
Số lần đọc: 1732
Tục uống nước chè chát hiện nay rất phổ biến ở Nghệ An, nó đã trở thành nếp sống thường ngày mang tính chất cộng đồng phong phú, trở thành một nếp sống tốt đẹp. Nếu chỉ đơn thuần khi khát nước mà có nước để dùng thì không nói làm gì, cái mà người Việt cần là tình cảm mang tính cộng đồng và thông qua những buổi ngồi uống nước chè chát đó mọi người tâm sự trao đổi với nhau những điều bổ ích.

Tục mời nhau uống nước chè chát không chỉ có trong mùa hè mà hầu như quanh năm. Thường là buổi sáng trước khi đi làm; buổi trưa và buối tối sau khi cơm nước xong. Lần lượt nhà này đến nhà khác nấu (hoặc om) mời bà con trong xóm đến mà không cần phải phân công gì cả. Bởi nó đã trở thành một hương ước của thôn. Có một số địa phương ở Nam Đàn, Thanh Chương và Đô Lương khi nấu nước xong thì dùng kẻng (trống) hoặc cho con cháu đi một vòng mời. Trong lúc nấu khi chè đã sôi một lát thì người ta đổ thêm bát nước lã, xong đâu đấy mới ủ vào thùng trấu. Các bà bảo làm như vậy thì nồi nước chè xanh mới đẹp và thơm phức. Trong hoàn cảnh khó khăn, chính đây là hình thức đãi nhau đỡ tốn kém nhất.

Đặc biệt, qua đó thể hiện tình làng nghĩa xóm, tắt lửa tối đèn có nhau. Chính qua hội uống nước chè chát, bao lượng thông tin được truyền cho nhau biết, phổ biến cho nhau những kinh nghiệm làm ăn, v.v... Đặc biệt là những xích mích thường được giải quyết. Mặc dù đây không phải là cuộc họp có chủ tọa, có nội dung cụ thể định trước nhưng lại rất chân tình, cởi mở, vui vẻ và hiệu quả.

Phải chăng đó là tính cộng đồng - một sắc thái văn hóa rất cơ bản của con người xứ Nghệ nói riêng và người Việt Nam nói chung đã có từ ngàn xưa và lưu truyền cho đến ngày nay. Chè xanh Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Nam Đàn, Thanh Chương... nếu biết cách nấu, cách om thì thơm ngon và bổ. Đặc biệt là mùa nóng : "Nắng lửa gió Lào" ở Nghệ An, đi làm về khát nước, nếu được một bát nước chè xanh đang bốc khói thì tác dụng có lẽ không kém bia hơi Hà Nội. Tốt hơn nữa, cho vào bát nước chè xanh đặc sánh một chén mật mía đánh cho tan rồi uống thì vừa mát lại còn bổ. Mặt khác uống nước chè chát còn có tác dụng giải nhiệt, hạn chế khả năng mắc bệnh ung thư, còn bã chè dùng để nuôi lươn và phân bón rất tốt.

Làng xóm là những tế bào hợp thành huyện tỉnh, là sản phẩm tự nhiên được hình thành trong quá trình định cư. Nếu làng xã mạnh thì Nhà nước cũng mạnh. Chính thông qua tục uống nước chè chát mà trong làng thường xuất hiện nhiều phường hội giúp đỡ nhau như: phường lợp nhà, phường cưới dâu, phường lúa, phường thịt tết, v.v... Bởi người Việt thường rất ghét lối sống "Ai có thân người ấy lo, ai có bò người ấy giữ". Và họ rất thích: "Xởi lởi trời cho, so đo trời co lại". Cũng chính từ quan niệm đó cho nên trong các cuộc uống nước chè chát đông vui, bao giờ cũng là những buổi trao đổi kinh nghiệm làm ăn và giúp nhau trong mọi công việc. Chính đây là một tập quán rất văn hóa có từ ngàn xưa đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để người Việt Nam đánh giặc giữ nước, học tập công tác và sản xuất thắng lợi. Đây cũng là sắc thái văn hóa rất xứ Nghệ mà đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Nguồn: website cuộc sống việt

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT