Non nước Việt Nam

Đền Hỏa Thần, một nét tâm linh người Hà Nội

Cập nhật: 23/11/2010 14:11:44
Số lần đọc: 1988
Để chống chọi lại hỏa hoạn, ngoài việc chủ động phòng cháy, chữa cháy, người Thăng Long xưa còn sử dụng cả yếu tố tâm linh thông qua việc phụng thờ Thần Hỏa để đem lại sự an lạc về tinh thần.

Từ xa xưa,ông cha ta đã tổng kết và phân hạng bốn yếu tố gây ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống của con người là: thuỷ, hoả, đạo, tặc (nước, lửa, trộm cướp và giặc giã). Đến tận ngày nay, “hỏa tai” vẫn gây ra những tác hại khôn lường. Thần Lửa đã đi vào huyền thoại của nhiều dân tộc. Ở nước ta, đền Hỏa Thần được coi là nơi thờ Ông Tổ nghề “phòng cháy, chữa cháy”, thể hiện một nét tâm linh, phản ánh một phần kinh tế xã hội và đời sống tâm linh của người Hà Nội xưa và nay.

Phồn hoa thứ nhất Long thành
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ

Đó là câu ca được lưu truyền để nói về sự phồn hoa, đô hội bậc nhất của kinh đô Thăng Long. Sự đô hội ấy, cùng với quy hoạch và đặc điểm kiến trúc đô thị của Hà Nội xưa: nhà cửa liền sát nhau, vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, tranh, nứa, lá, Thăng Long thường xuyên phải hứng chịu những tàn phá khốc liệt của hỏa hoạn. Nguyên nhân có nhiều: giặc ngoại xâm đốt phá, nội chiến giữa các thế lực phong kiến, khí hậu khô hanh, cùng với sự bất cẩn của người dân khi sử dụng lửa trong sản xuất và sinh hoạt.

Để chống chọi lại hỏa hoạn, ngoài việc chủ động phòng cháy, chữa cháy, người Thăng Long xưa còn sử dụng cả yếu tố tâm linh thông qua việc phụng thờ Thần Hỏa để đem lại sự an lạc về tinh thần. Khi Lý Công Uẩn định đô, thần Bạch Mã vốn là Thành hoàng Long Đỗ của thành cũ Đại La được nâng cấp là Thành hoàng của Kinh đô, của cả nước (Quốc Đô Định Bang Thành Hoàng Đại Vương). Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đã ca ngợi sự linh thiêng bền vững của Thần trong việc trừ hỏa tai, bảo vệ kinh thành Thăng Long:

Hỏa tụ tam khu phần bất cập
Phong trần nhất trận phiến nan khuynh

Nghĩa là:

Lửa nổi ba khu không cháy được
Phong trần một trận chẳng hề nghiêng

Hai tác giả sách “Đường phố Hà Nội” là Nguyễn Vinh Phúc và Trần Huy Bá đã cho biết: “Trước đây, đền Hoả Thần có một quả chuông to, bằng đồng, hễ có hoả hoạn thì thỉnh chuông lên, Hoả thần nghe thấy sẽ về trừ hoả hoạn”.


Đền Hoả Thần được xây dựng từ năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Tấm bia “Hoả Thần miếu bi ký” dựng vào ngày tốt tháng 7 đời vua Thiệu Trị tại đền Hoả Thần cho biết, đền được xây dựng ở ngoài Cửa Đông thành Hà Nội, lúc đầu bằng tranh nứa sơ sài. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), đền được trùng tu với nguyên vật liệu bền vững, quy mô rộng rãi hơn. Năm 1848 lại xây thêm phương đình và tiền tế. Niên đại này còn để lại trên câu đầu của kiến trúc.

Đền Hỏa Thần hiện nay tọa lạc tại số 30 phố Hàng Điếu, trên diện tích gần 500 m2. So với các di tích khác trong khu vực phố cổ, đền Hoả Thần có quy mô kiến trúc khá lớn, kiểu chữ “công” gồm tiền tế, phương đình và cung cấm, trong đó, kiến trúc phương đình được chạm khắc trang trí đậm đặc nhất. Các con rường được chạm nổi văn mây lá lật. Mỗi đấu kê đều trang trí cánh sen. Mỗi đầu dư đều thể hiện hình đầu rồng. Các bức ván trong giá chiêng chạm nổi đề tại phương trong tư thế đang bay. Và bốn bức tượng nghê dưới câu đầu được thể hiện giống với nhau với hình thức cách điệu cao, rất gần gũi với các tượng nghê trên kiến trúc phương đình đền Bạch Mã và đền Thanh Hà thuộc khu phố cổ Hà Nội. Mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng nhìn chung nơi đây vẫn còn giữ được đặc trung của phong cách kiến trúc, mỹ thuật đời Nguyễn ở nửa cuối thế kỷ XIX, đầu XX, có sự kế thừa của các thế kỷ trước.

Thực dân Pháp đánh chiếm miền Hà Nội, khu phố Tây được thành lập, khu xóm chợ Cửa Đông cũng được đô thị hóa mạnh mẽ, đền Hỏa Thần cũng bị thu hẹp nằm lọt giữa khu phố xá đông đúc. Thời kỳ này, nhân dân cũng xây thêm một điện thờ chư vị Thánh Mẫu trong khuôn viên của đền, thiết ban thờ Phật ở gian phương đình, đền Hỏa Thần là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, nơi lễ Phật ,Thánh ban phúctrừ tai của nhân dân kinh thành. Những thập niên gần đây, đền bị xâm lấn, đổ nát hư hỏng nhiều, chính quyền và nhân dân đã tu bổ lại đền khá khang trang. Năm 1997, chính quyền, Ban Quản lý di tích và nhân dân địa phương đón nhận “Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa đền Hỏa Thần”. Năm 2000, UBND phường và nhân dân rước ban thờ Thánh Mẫu vào trong phương đình, trên vị trí ban thờ cũ dựng nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ phường, tạo một nét văn hóa, tâm linh mới.

Nhân kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chính quyền và nhân dân địa phương cùng Đại đức trụ trì đền đã tiến hành một đợt trùng tu tôn tạo Đền Hoả Thần. Đại đức Thích Minh Sơn chia sẻ: Thời gian tới, mong rằng đền Hỏa Thần cần phải được tiếp tục được tu tạo để xứng đáng với một di tích cấp quốc gia, đồng thời gìn giữ một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của cư dân khu phố cổ, tạo thêm nét phong phú, đa dạng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Thủ đô và cả nước.
Nguồn: quehuongonline

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT