Làng cổ miệt vườn - Cần Thơ
Làng cổ Long Tuyền nằm ở phía tây nam vàm sông Cần Thơ, nay gồm các phường Bình Thủy, An Thới cùng hai xã Long Tuyền, Long Hòa thuộc thành phố Cần Thơ. Qua quá trình vận động phát triển hàng trăm năm, Long Tuyền cổ kính còn có vinh dự góp phần tạo nên thành phố trung tâm cả vùng châu thổ Nam Bộ hôm nay.
Trước khi có "tỉnh Cần Thơ" trên bản đồ hành chính (1876) vùng đất này thuộc "lục ấp" rồi dần trở thành làng Bình Hưng (1844, đời Thiệu Trị thứ 13). Ðến năm 1852, nhân sự kiện đoàn hải thuyền của Tuần phủ Huỳnh Mẫn Ðạt thoát hiểm ngay trên sông Bình Thủy thuộc làng, nên cái tên Bình Thủy ra đời. Bình Thủy đã đẹp sao phải đổi lại là Long Tuyền (1908)? Các bậc tiền nhân đã lý giải và bình thật hay: "Rạch này (ý nói sông Bình Thủy) nước chảy uốn khúc như thân rồng nằm, miệng rộng và vàm sông Bình Thủy há toác ra ngậm trái châu là đất Cồn Linh án ngang vàm sông. Các chi lưu của bốn rạch tủa ra như bốn chân rồng. Ðoạn đuôi thon thon nằm vắt tận cuối làng. Nước sông bốn mùa lăn tăn gợn sóng như muôn triệu vẩy rồng lấp la lấp lánh, ẩn hiện giữa những vườn cây trái xum xuê...".
Ðịa hình Long Tuyền như biểu tượng thu nhỏ của vùng đồng bằng sông nước mênh mang này. Sông Bình Thủy dài 15 km chia làng thành hai phần đối xứng rồi từ đây tỏa ra trên 30 con kênh rạch lớn nhỏ tự nhiên hoặc nhân tạo đan xen chằng chịt với những tên gọi rất bình dị như điệu hò nơi đây vậy. Bà Ðồ, Bà Chủ Kiểu, Ông Ðội, Ông Quới, rạch Cam, rạch Chanh... Cả một nền "văn hóa ghe xuồng" hiển hiện trên sông rạch kế tiếp vườn cây, xanh ngắt, ngút ngàn.
Ðã đến Cần Thơ, du khách thường tìm đến Long Tuyền bởi nơi đây ngoài cảnh sông nước hữu tình, còn có đến sáu di tích cấp quốc gia, chiếm gần một phần ba số di tích quốc gia cả tỉnh Cần Thơ. Ðình Bình Thủy, tức Long Tuyền cổ miếu, được dựng lên từ thuở "khai sinh lập địa" (1844) có quy mô diện tích vào loại lớn (trên 4.000 m2) trong các đình làng Cần Thơ, phản ánh phần nào tầm vóc của làng cổ Long Tuyền. Tiềm ẩn dưới mái đình này không chỉ là lịch sử truyền thống cội nguồn của một làng cổ Nam Bộ mà còn là nơi gìn giữ những giá trị tinh hoa của văn hóa, văn minh sông nước miệt vườn Cần Thơ. Hằng năm, vào dịp lễ Kỳ Yên (thượng điền: 12, 13, 14 tháng 4 âm lịch; hạ điền: 14, 15 tháng chạp) đều có lễ rước sắc thần, không khí náo nhiệt vui tươi của hội làng với nhiều trò chơi dân gian, hát bội, hát Tiều. Ðây là một lễ hội văn hóa thu hút hàng nghìn dân chúng khắp nơi, mang đậm tính chất nền văn minh lúa nước (cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đạo an khang).
Rồi chùa Nam Nhã (nơi từng lưu dấu chân của Phan Bội Châu, Cường Ðể và sau này là nhà cách mạng Ngô Gia Tự), Hội Linh cổ tự, Long Quang cổ tự, mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, trụ sở An Nam Cộng sản Ðảng... Và cũng không thể bỏ qua thắng cảnh vườn lan, nhà cổ Bình Thủy (26/1A đường Bình Thủy, thành phố Cần Thơ), nơi được coi là điểm sáng văn hóa về nguồn của đất phương Nam. Hình như ở vùng đồng bằng sông nước này chưa có chủ nhân ngôi nhà nào lại có dịp tiếp xúc, tạo tình quyến luyến với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như chủ nhân nhà cổ Bình Thủy: nhà thơ Xuân Diệu, Xuân Thủy, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa lão thành Trần Văn Giàu, nhà văn hóa Sơn Nam, nhà viết kịch Học Phi, v.v. Ðây cũng là ngôi nhà có duyên với "nghệ thuật thứ bảy" nhất bởi đã lọt vào khuôn hình của hàng chục bộ phim (Chân trời nơi ấy, Những nẻo đường phù sa, Công tử Bạc Liêu, Cây tre trăm đốt, Tây Ðô và ban mai, Xương rồng Cần Thơ...),v.v. Ðặc biệt bộ phim nổi tiếng "Người tình" của đạo diễn người Pháp Annand cũng được quay hơn một tuần ở đây.
Phong khí văn hóa Long Tuyền là sự hòa quyện của đất, nước và con người nơi đây; là sự nở hoa của quá khứ trong lòng hiện tại; là sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Long Tuyền tuy tiếp xúc với nhiều nền văn hóa (Hoa, Khmer, Pháp, Nhật, Mỹ...) nhưng vẫn tạo ra, giữ gìn được bản sắc "văn minh miệt vườn sông nước" rất riêng, rất độc đáo và đó chính là nội lực, là cội nguồn sức mạnh giúp Long Tuyền đứng vững, phát triển trên vùng đất mới đầy biến động.