Non nước Việt Nam

Tục cúng lúa của người Chăm ở Phú Yên

Cập nhật: 25/11/2010 13:38:24
Số lần đọc: 2282
Người Chăm định cư tập trung thành từng làng, dọc theo sườn núi, dòng suối, mỗi làng có khoảng vài chục đến 100 hộ gia đình, có cổng vào làng, ranh giới giữa nhà này và nhà kia cách nhau từ 3 đến 4 m. Họ ở nhà sàn và nhỏ hình chữ nhật, mái lợp tranh, vách dừng bằng cây mò o, sàn dùng để ở và sinh hoạt, phần dưới để đồ dùng và nuôi gia súc.

Đời sống của người Chăm chủ yếu dựa vào chăn nuôi và trồng trọt. Xuất phát từ đời sống ruộng rẫy nên hình ảnh cây lúa từ lâu đã in sâu vào tâm thức của cộng đồng người Chăm. Chính vì vậy sau mỗi mùa gieo cấy, chuẩn bị thu hoạch, mở kho lúa thì khắp nơi trong làng rộn ràng tổ chức tục cúng lúa tưng bừng vui chơi nhảy hát.

 

- Cúng lúa mới: người Chăm quan niệm lúa có hồn và là hiện thân nên lúa chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng. Cứ đến tháng 9, tháng 10 những bông lúa bắt đầu uốn cần câu, lác đác có vài bông lúa chín vàng, các cụ ông, cụ bà hoặc chủ gia đình đi chọn gặt những bông lúa đó, cho các cô gái mang về chòi đập, sẩy, đảo khô, giã làm gạo chuẩn bị lễ cúng lúa mới. Nhà nào tổ chức cúng lúa mới phải mời cả làng cùng dự để lấy may cho năm sau, do đó hết nhà này đến nhà khác lần lượt tổ chức. Cả nhà con cái ngồi quây quanh bên bếp lửa hồng, ánh sáng soi rõ từng khuôn mặt đang chờ đón ngày lúa đưa vào kho. Ngày cúng lúa mới gia đình nào có của thì thịt một con heo, một con gà cồ, một con gà mái cúng Yàng dẫn đuờng cho lúa vào kho.

 

- Cúng thu hoạch: Sau lễ cúng lúa mới, người Chăm bắt đầu vụ thu hoạch. Lễ cúng Yàng, Yàng đất, hồn lúa, lễ cúng có một ché rượu cần, một chai rượu trắng. Ngày cúng họ mời cả buôn làng đến dự nhưng chủ yếu là bà con, anh em trong dòng tộc. Người Chăm có quy định không cho phép bị lúa thấm nước, bị rơi đổ khi gánh qua sông, suối, nếu những rủi ro đó không may xảy ra, người Chăm cho là những dấu hiệu mất mùa, phải giết gà, heo, nhắc rượu cúng Yàng xin tha tội.

 

- Cúng lúa vào kho: Lúa gặt được bó thành từng bó rồi đem cất vào chòi, khoảng 2 tháng sau mới bắt một con gà làm thịt cúng mời hồn lúa từ ruộng về kho. Nếu trên đường vào làng mà lúa phải qua suối, qua sông thì phải thịt con gà luộc chín hoặc dùng trứng gà cúng bằng cách giăng sợi chỉ trắng qua sông, suối dẫn hồn lúa đi. Đến tháng Giêng, tháng Hai bắt đầu đập lúa, người Chăm lại thịt một con heo cúng. Yàng lúa, mở cửa kho lấy lúa xay gạo cũng cúng một con gà, một chén rượu.

 

Tục cúng lúa vào kho là dịp dân làng bày tỏ những tình cảm của mình với núi rừng, với ruộng rẫy đã tạo ra của cải vật chất để dân làng có cuộc sống ấm no, đầy đủ lúa ăn quanh năm cũng là dịp để dân làng lấy kho đựng lúa mới. Mặt khác ăn mừng lúa vào kho là tín hiệu đầu tiên báo hiệu những điều tốt lành sẽ tới.

Nguồn: website báo Tây Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT