Non nước Việt Nam

Muôn sắc những ngôi nhà người Việt

Cập nhật: 25/11/2010 13:11:47
Số lần đọc: 1915
Ngôi nhà là nơi gắn bó mật thiết, chứa đựng bao kỷ niệm vui buồn của con người từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành. Ngôi nhà không chỉ là nơi che mưa, che nắng mà còn là thế giới quan, là không gian văn hoá thu nhỏ, phản ánh bản sắc văn hoá của mỗi gia đình, mỗi làng quê.

Vì thế, tại Ngày hội Văn hoá- Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Giang năm nay, việc các trại văn hoá tái hiện, mô phỏng những ngôi nhà từ nhiều vùng miền khác nhau trên địa bàn tỉnh đã thực sự tạo được điểm nhấn thật ấn tượng cho những người đến tham dự Ngày hội.

 

Được xây dựng trên khu vực Công viên Trung tâm TP Bắc Giang, trại văn hoá của 10 huyện, thành phố đều mang những nét riêng rất đặc trưng, thể hiện sự đan xen văn hoá hài hoà song vẫn mang bản sắc riêng biệt của mỗi dân tộc, mỗi địa phương trên vùng đất Bắc Giang. Mỗi trại là một mô hình nhà ở đặc trưng của gia đình người dân trên địa bàn. Từ ngôi nhà cổ của người dân Tiên Lục (Lạng Giang), mái nhà tranh của nông dân Yên Dũng, ngôi nhà sàn của người dân tộc Cao Lan hay những ngôi nhà mang nét kiến trúc hiện đại của TP Bắc Giang… đều mang đến cho người xem cảm giác về một không gian văn hoá thu nhỏ đầy màu sắc. Chẳng hạn, Trại văn hoá huyện Lạng Giang mô phỏng toàn bộ đời sống sinh hoạt của một hộ gia đình nông dân sinh sống trên mảnh đất xã Tiên Lục cách đây hơn 100 năm. Đây là nếp nhà gỗ ba gian, được làm theo lối "tiền kê, hậu bẩy". Trong nhà được bài trí theo phong tục cổ truyền của người dân tộc Kinh. Gian chính giữa là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, ông bà. Trên ban thờ đặt bình hương, cây đèn, đài sáp… sơn son. Phía trước ban thờ, ở chính giữa kê một bộ bàn ghế bành trượng để gia chủ đón tiếp khách, trao đổi, trò chuyện, thăm hỏi nhau. Đây cũng là nơi để gia đình tụ họp, nghe lời răn dạy của ông bà, cha mẹ… Bên cạnh đó, căn nhà còn được bài trí với những nhạc cụ thông thường gắn liền với đời sống tinh thần của người dân như cây đàn vi-ô-lông, nhị, sáo trúc…cùng những bức tranh Vọng nguyệt, Tứ quý… tạo không gian thanh tao, ấm cúng, thể hiện mong muốn khát vọng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của gia chủ. Ngoài ra, trong nhà còn có góc học tập, giá sách… thể hiện sự hiếu học, quan tâm đến việc học hành của con cháu. Ngoài ra, ngôi nhà còn có gian bếp riêng cùng mô hình vườn rau, giàn trầu, cổng nhà bằng gạch nung…Cũng tái hiện lại khung cảnh gia đình nông dân, song Trại văn hoá huyện Yên Dũng lại là mô hình nhà ở thuần Việt của một gia đình nông dân thời kỳ trước cách mạng tháng Tám với ba gian, hai chái. Vật liệu làm nhà đều gắn liền với cuộc sống hàng ngày như rơm rạ, tre nứa… Khung cảnh ngôi nhà hoà quyện với cảnh vật xung quanh khi được bao bọc bởi những hàng cau, cây chuối và đồ thủ công mỹ nghệ cũng sinh ra từ đất đó là gốm làng Ngòi. Trưng bày trong nhà là những sản phẩm đặc trưng của quê hương như tương Trí Yên, bánh đúc Đồng Quan, cua da…

 

Khác với Lạng Giang, Yên Dũng, Trại văn hoá của huyện Lục Ngạn lại mô phỏng ngôi nhà của người dân tộc Cao Lan với mọi sinh hoạt, vật dụng được gói gọn trong căn nhà sàn xinh xắn. Đã bao đời nay, nhà sàn (tiếng Cao Lan là làn lán) đã gắn bó mật thiết và trở thành bản sắc văn hoá, niềm tự hào của người dân tộc vùng cao, trong đó có người Cao Lan. Ngôi nhà sàn được phục dựng với ba gian. Trong đó nơi trang trọng nhất ở gian chính giữa để thờ cúng theo phong tục. Dưới nơi thờ cúng là chỗ gia chủ uống trà, tiếp khách. Tiếp đó, gian bên cạnh được tách riêng để làm buồng ngủ. Theo anh Hoàng Văn Lý, dân tộc Cao Lan đến từ huyện Lục Ngạn thì người dân tộc Cao Lan thường sinh sống với nhiều thế hệ trong một căn nhà song bất cứ ai khi dựng vợ, gả chồng đều được sắp xếp chỗ nghỉ ngơi kín đáo, gọn gàng, thể hiện nét văn hoá của một dân tộc vùng cao. Bên cạnh đó, ưu điểm của nhà sàn là rất thoáng mát, lại tránh được thú dữ. Trong mô hình ngôi nhà sàn của người dân tộc Cao Lan do huyện Lục Ngạn phục dựng còn có nhiều vật dụng được người Cao Lan xưa sử dụng trong cuộc sống hàng ngày như an bặng tọc mân (ống đựng nước bằng gỗ), mốc thống too hâu (thùng gỗ đựng gạo), mợc sẹng (xẻng), mác van (rìu), mò vài (mõ trâu), ăn hụn (dụng cụ làm bún)…

 

Theo ông Ngô Văn Trụ, Phó Giám đốc Sở VH,TT& DL, thông qua trại văn hoá của các đơn vị tham gia Ngày hội cho thấy ý thức trách nhiệm ngày càng cao của những người làm công tác khôi phục, bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, trại văn hoá tham gia Ngày hội năm nay đã đáp ứng được yêu cầu, mục đích đặt ra đó là thể hiện được sự phong phú, đa dạng cũng như bản sắc văn hoá đặc trưng của các dân tộc anh em, qua đó giúp người dân thêm hiểu và yêu quý vùng đất Bắc Giang anh hùng, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguồn: Báo Bắc Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT