Hoạt động của ngành

Những mục tiêu về phát triển du lịch của Ninh Bình

Cập nhật: 29/11/2010 09:11:57
Số lần đọc: 1917
Ninh Bình đặt ra mục tiêu huy động các nguồn lực, tập trung khai thác hợp lý tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn, xây dựng Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước.

Ngày hội Tràng An. Ảnh: Vũ Đức Phương

Ninh Bình phấn đấu đến năm 2015 đón 3 triệu lượt khách trở lên, từ năm 2015 trở đi tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân 10%/năm; xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng cho du lịch; hoàn chỉnh đầu tư xây dựng và phương thức quản lý các khu du lịch lớn; tạo việc làm cho người lao động.

 

Giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển cũng được nêu cụ thể như: Xây dựng quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết phát triển du lịch; đầu tư phát triển hạ tầng, xây dựng sản phẩm du lịch; kêu gọi, huy động các nguồn lực đầu tư; tăng cường công tác quản lý Nhà nước; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch; nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng.

 

Trên tinh thần đó, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 07, phân công rõ trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết. Sau hơn một năm Nghị quyết được ban hành, lĩnh vực du lịch của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong công tác quy hoạch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã và đang tiến hành quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, trong đó tập trung quy hoạch chi tiết Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình; bổ sung một số dự án thành phần vào quy hoạch tổng thể khu du lịch sinh thái Tràng An; hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết Khu du lịch hồ Đồng Chương.

 

Với các khu du lịch khác, khi chủ đầu tư lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đều đã có phần quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Sở Công thương cũng xây dựng xong đề cương, đề án quy hoạch hệ thống thương mại, quy hoạch hệ thống làng nghề phục vụ du lịch.

 

Hiện tại hạ tầng cơ sở phục vụ hoạt động du lịch đang được đầu tư xây dựng tích cực. Đến nay trên địa bàn thành phố Ninh Bình đã kêu gọi được 4 dự án nhà hàng, khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao, tổng mức trên 780 tỷ đồng. Khu du lịch sinh thái Tràng An đã cơ bản hoàn thành nâng cấp ở các phân khu chức năng. Đã nạo vét được 15 thung, tạo hai tuyến đường thuỷ trong khu hang động, đơn vị thi công vừa đón khách thăm quan vừa tiếp tục nạo vét các thung còn lại. ở khu trung tâm, đã hoàn thành khu đón tiếp, bến thuyền, san lấp bãi đỗ xe và nạo vét tuyến đường thuỷ từ khu đón tiếp đến khu hang động Tràng An. Các khu dịch vụ, núi chùa Bái Đính, dự án thành phần cải tạo núi Rạch, núi Nghẽn, khu công viên văn hoá Tràng An, đơn vị thi công đang tích cực huy động nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

 

Trong vùng bảo vệ đặc biệt di tích Cố đô Hoa Lư, dự án xây dựng quảng trường và sân lễ hội phía trước đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và Vua Lê Đại Hành được triển khai thi công từ tháng 11-2009, đến nay các hạng mục đã cơ bản hoàn thành. Việc thám sát, khai quật khảo cổ học tại Trung tâm Cố đô Hoa Lư đã có báo cáo kết quả khai quật. Dự án xây dựng đường bao hào nước, dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích có nhiều hạng mục hoàn thành đưa vào sử dụng. Dự án xây dựng Quảng trường và Tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế ở thành phố Ninh Bình triển khai vào tháng 10-2009, giai đoạn I tập trung vào xây dựng khu Tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế, giai đoạn II gồm các hạng mục còn lại, dự kiến hoàn thành bàn giao vào cuối năm 2011. Đối với các dự án giao thông, chủ đầu tư thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu thi công khẩn trương xây dựng các dự án, hạng mục, đến nay cơ bản hoàn thành giai đoạn I của dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Ninh Bình; tập trung nâng cấp cải tạo Quốc lộ 10 đoạn Ninh Phúc - cầu Điền Hộ; dự án ĐT 477 và cầu Trường Yên.

 

Đẩy mạnh các sản phẩm làng nghề truyền thống phục vụ du lịch, ngành chức năng đã tổ chức điều tra, khảo sát về hoạt động của các làng nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn, như đá mỹ nghệ, thêu ren, cói, rượu Kim Sơn; xét chọn công nhận danh hiệu làng nghề, nghệ nhân cấp tỉnh; vận động các doanh nghiệp, các làng nghề truyền thống tham gia các triển lãm làng nghề truyền thống trong và ngoài tỉnh.

 

Trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch, ngành đã xây dựng cơ chế quản lý và mô hình quản lý các khu du lịch lớn; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá về du lịch với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú và tích cực thực hiện công tác chuẩn hoá, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch thông qua việc xây dựng các bài thuyết minh ở các khu du lịch làm tài liệu chuẩn cho các hướng dẫn viên, thuyết minh viên; tổ chức các hội thi ẩm thực, hội thi hướng dẫn viên, thuyết minh viên, phối hợp đào tạo trung cấp du lịch, mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng nếp sống văn minh ở các khu, điểm du lịch; nâng cao chất lượng phục vụ ở các khu, điểm du lịch. Nhờ vậy, lượng khách du lịch đến với Ninh Bình ngày một tăng lên. Trong 10 tháng năm 2010, khách du lịch đến Ninh Bình đạt 3 triệu lượt người, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2009, đạt kế hoạch cả năm; số ngày khách đạt 300 nghìn, tăng 33%; doanh thu du lịch ước đạt 492 tỷ đồng, tăng 22,4%.

Nguồn: Báo Ninh Bình

Cùng chuyên mục