Giữ gìn điệu xoan nơi đất Tổ
Tiếng hát nơi phường xoan
Đã có nhiều truyền thuyết, sự tích về sự ra đời của hát xoan. Nhưng có một điều chung khẳng định hát xoan có từ thời các Vua Hùng. Các nghệ nhân Phù Đức kể rằng: Ngày xưa, có ba anh em Vua Hùng đi tìm đất, qua thôn Phù Đức vào buổi trưa và nghỉ lại tại một khu rừng ở gần thôn. Từ khu rừng, các vị nhìn ra bãi cỏ trước mặt thấy có đám trẻ chăn trâu vừa chơi, vừa hát, vừa đánh vật, kéo co. Thấy vậy, Đức Thánh Cả liền bảo những người đi theo đem những bài hát mà họ biết dạy thêm cho lũ trẻ. Cũng vào dịp này, bà con đã đãi ba anh em Đức Thánh món “bánh nẳng” và thịt bò.
Từ đó về sau, hàng năm, cứ đến ngày 30 tháng Chạp (âm lịch), dân làng lại làm “bánh nẳng” để cúng vào buổi trưa, thịt bò cúng vào buổi chiều ở miếu Lãi Lèn - nơi thờ Đức Thánh. Còn tới ngày mồng hai, mồng ba tháng Giêng (âm lịch) thì dân Phù Đức mở Hội cầu. Trong Hội cầu, mọi người diễn lại cảnh hát xướng, kéo co, đánh vật ở ngoài bãi. Tục lệ hằng năm hát xướng để cầu chúc cũng bắt nguồn từ sự kiện ấy. Cho nên hát xoan còn được gọi là ca xoan, hát Lãi Lèn.
Trước Cách mạng tháng Tám - 1945, hát xoan thường được trình diễn vào mùa xuân, trong những ngày hội đám ở một số đình làng trong tỉnh, nên còn được gọi là "hát cửa đình". Bấy giờ, trên địa bàn Phú Thọ có tới 18 phường hát xoan. Nhưng theo thống kê mới nhất của Bảo tàng tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh chỉ còn lại 4 phường xoan của hai xã Kim Đức và Phượng Lâu thuộc thành phố Việt Trì là: phường xoan Thét, phường xoan Phù Đức, phường xoan Kim Đới, phường xoan An Thái. Điều đáng mừng là tại 4 phường xoan này, hằng đêm vẫn rộn vang lời ca tiếng hát.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Liên ở phường xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì cho biết: “Hiện nay, phường có hơn 40 thành viên. Trong đó thành viên nhỏ nhất là 8 tuổi và cao tuổi nhất là hai nghệ nhân Nguyễn Thị Ý (90 tuổi) và Nguyễn Thị Hải (86 tuổi). Nhiều nghệ nhân khác cũng đã bước qua cái tuổi 70, 80. ấy vậy mà không buổi dạy nào các cụ vắng mặt”.
Cụ Bùi Thị Hội tâm sự: “Chúng tôi già rồi, tuy không còn nhiều sức khỏe để biểu diễn hát xoan tại cửa đình nhưng vẫn có thể dạy hát cho các con, cháu. Nếu không được truyền dạy thì khi mình khuất núi, điệu xoan sẽ mất”.
Trong số các nghệ nhân ở phường xoan An Thái, có gia đình bà Nguyễn Thị Lịch - trùm phường xoan An Thái, là còn đủ các thế hệ sau theo học hát xoan để nối tiếp truyền thống lâu năm của gia đình (ông nội và cha bà Lịch cũng từng là trùm xoan có tiếng trong vùng). Chính bà Nguyễn Thị Lịch đã lập ra một lớp đào tạo hát xoan nhằm duy trì loại hình nghệ thuật truyền thống này, trước là truyền cho con cháu mình, sau là dạy cho lớp trẻ trong làng.
Bà trùm Lịch cho biết: “Lớp học đã thành lập được gần chục năm, cũng có thời gian có tới hơn chục cháu đến học. Chỉ tiếc là cứ đào tạo được cháu nào biết hát, biết phách để có thể biểu diễn thì cũng là lúc các cháu tốt nghiệp phổ thông và đi thoát ly, rất khó tập hợp trở lại. Vì thế mà giờ trong phường, số người trẻ hát xoan hay cũng chưa nhiều”.
Đặt hy vọng vào lớp trẻ
Ai cũng biết, mang tính quyết định nhất trong phục hồi hát xoan là vấn đề con người. Trước hết là nghệ nhân và ký ức quý giá của họ. Thật may, cho đến thời điểm này, xoan vẫn còn những “báu vật nhân văn sống”. Trong số đó đã có vài cụ xấp xỉ tròn trăm tuổi. May mắn hơn, các cựu đào, cựu kép này vẫn còn mê xoan đến độ mắt lòa, lưng còng, chân yếu rồi mà vẫn cố gắng hằng đêm truyền tình yêu hát xoan cho con cháu, vẫn sẵn lòng dẫn dắt lớp trẻ đến với xoan và làm cố vấn cho đám trẻ biết hát xoan. Họ hiểu rằng, quyết định cuối cùng cho sự sống còn của xoan thuộc về thế hệ trẻ. “Cần phải làm cho các em hiểu và yêu loại hình nghệ thuật dân tộc này, có thế mới mong các em kiên trì theo học và hát hay được” - bà Lịch chia sẻ.
Giữa lúc bộn bề với cuộc sống, công việc, lớp trẻ ngày càng được tiếp xúc nhiều hơn với các loại hình âm nhạc mới, sôi động và thời thượng thì ở các phường xoan Phú Thọ vẫn có một số bạn trẻ đêm đêm miệt mài đến theo học các nghệ nhân. Chàng trai 23 tuổi Nguyễn Như Quỳnh là một ví dụ. Quỳnh cho biết, hát xoan ngấm vào em ngay từ khi còn nhỏ trong những lần được theo ông nội, cha mẹ đi xem hát xoan tại các cửa đình vào mỗi dịp Tết hay lễ hội của làng. Giờ đây, em cũng muốn học hát để cùng cha mẹ và mọi người trong làng gìn giữ những điệu hát này.
Hát xoan gắn liền với lễ hội, với nhu cầu tâm linh. Nếu không được “cắm rễ” vào mảnh đất lễ hội, hát xoan sẽ lụi tàn, dẫu rằng sự bền bỉ và trường tồn của loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này đã phần nào khẳng định được giá trị nội tại của nó. Do vậy, khi không gian và thời gian của lễ hội đất Tổ ngày càng mở rộng cũng là cơ hội vàng để loại hình này ngày càng tỏa sáng./.