Độc đáo Tết cơm Đe Mường Rậm ở Hòa Bình
Nét độc đáo trong Tết cơm Đe của người Mường Rậm là ăn chay và chỉ có phần lễ. Trong mâm cúng, bao giờ cũng phải có quả đu đủ, mướp, măng giang lấy từ rừng về đồ lên hoặc luộc chín, vừng rang giã nhỏ không cho muối hay bất kỳ gia vị nào.
Món đặc biệt không thể thiếu trong mâm cúng là cơm Đe. Cơm được làm từ gạo nếp nhưng phải là gạo ngon, đồ lên rồi trộn ủ với men lá cây rừng. Để có cơm Đe vừa ngon, ngọt, đậm đà, người Mường Rậm phải chuẩn bị trước đó vài ngày, thường là từ 20/10 âm lịch.
Ông Bùi Văn Tề (xóm Đình, xã Lạc Thịnh) cho biết, người Mường Rậm ở Lạc Thịnh thường ăn ba tết lớn là Tết Nguyên đán, Tết Độc lập và Tết cơm Đe, trong đó Tết cơm Đe được tổ chức to hơn, đông hơn và vui hơn cả vì cả nước duy chỉ có xã Lạc Thịnh mới có cái tết độc đáo này.
Những người con của quê hương dù đi công tác, làm ăn, sinh sống ở nơi xa đều cố thu xếp công việc để về thưởng thức Tết cơm Đe. Trong vùng, chỉ có dòng họ Bùi làm Tết cơm Đe, còn các dòng họ khác như Quách, Nguyễn... không làm mà đến chia vui. Để chuẩn bị cho mâm cúng tết được chu tất, ngay từ tờ mờ sáng, gia đình đã dậy, chuẩn bị bày mâm cúng.
Theo quan niệm của người Mường Rậm, phải cúng trước khi mặt trời mọc, vì thời gian này là linh thiêng và mát mẻ hơn cả. Mâm cúng được đặt ở hướng chính giữa ngôi nhà sàn (đặt mấy mâm là tùy từng gia đình). Măng giang, đu đủ, mướp được đồ chín bày lên tàu lá chuối xanh. Sau khi sắp lễ xong, một thầy mo có uy tín nhất trong làng được mời đến cúng, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật tốt tươi, con người khỏe mạnh.
Trong khi cúng, tất cả con cháu phải ngồi ở phía trong ngôi nhà sàn để nghe và xem thầy làm lễ. Bài cúng kết thúc cũng là lúc cả gia đình tổ chức ăn Tết trong sáng sớm, từ người già đến trẻ em đều thưởng thức cơm Đe để được may mắn, mạnh khỏe.
Các cụ già trong Mường kể lại, từ xa xưa, không ai còn nhớ vào thời gian nào, có một vị tướng đem quân đi đánh giặc phương Bắc. Trận ấy ông thua và không may bị thương. Ông cùng tùy tùng phải vượt qua núi Trường Sơn chạy về vùng Yên Thủy. Đến khu vực xã Lạc Thịnh thì trời đã chuyển sang ngày 26 tháng 10 âm lịch.
Vị tướng đã vào nhà một người dân tộc Mường xin nghỉ lại. Trời lúc này chưa sáng hẳn, nhà nghèo quanh năm nên chẳng có ngô, gạo cũng không có thứ gì gọi là thực phẩm. Chủ nhà đành luộc bí xanh, đu đủ, vài chiếc măng giang đang chỏng chơ trong góc bếp nhà sàn để vị tướng và tùy tùng ăn qua bữa.
Đang ăn những thứ đó với vừng rang giã nhỏ không có muối (ngày xưa muối trên miền núi rất hiếm), chủ nhà chợt nhớ ra là còn có ít cơm Đe đang ủ, chuẩn bị nấu rượu dùng vào Tết Nguyên đán nên vội lấy ra mời. Nó không còn là cơm nữa nhưng cũng chưa phải là rượu, xưa nay ở đây không ai ăn.
Sáng hôm sau, trước khi đi, xúc động trước tấm lòng của người dân nơi đây và thương dân nghèo đói, vì vùng này thường xuyên xảy ra hạn hán... vị tướng đã lập đàn cúng thần cầu mưa. Thật linh thiêng, vừa cúng xong thì trời đổ mưa khiến cho người dân vui mừng. Từ đó đến nay, cứ gần đến ngày 26 tháng 10 âm lịch vùng đất Mường Rậm lại có mưa, không to thì nhỏ.
Nhớ ơn vị tướng đánh giặc cứu nước lại còn lập đàn cầu mưa cho dân lành ở vùng hạn hán, hàng năm người Mường ở đây lấy ngày 26 tháng 10 làm Tết cơm Đe. Vật cúng trong mâm không ngoài những thứ đã tiếp vị tướng năm nào, nhất là cơm Đe (loại cơm ủ men từ lá cây rừng để nấu rượu), thứ không thể thiếu.
Ngày nay khi cuộc sống khá dần lên, người Mường Rậm ở xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy (Hòa Bình) đã no ấm và càng coi trọng Tết cơm Đe. Ai đã từng đặt chân đến vùng đất này, thưởng thức món cơm Đe chắc hẳn không quên được hương vị độc đáo của nó và càng không quên tấm lòng hiếu khách của bà con nơi đây. Đó là nét văn hóa truyền thống lâu đời của người Mường Rậm, cần được quan tâm bảo tồn và phát huy.