Tham quan cụm di tích Tiên Lục - Bắc Giang
Cụm di tích nằm cách thành phố Bắc Giang khoảng 20 km về phía Đông Bắc. Đây là một trong những điểm dừng chân lý tưởng cho các đoàn khách đến tham quan, nghiên cứu học tập và tìm hiểu về những giá trị lịch sử văn hoá, kiến trúc nghệ thuật và các lễ hội đặc sắc trên vùng quê giàu truyền thống văn hoá này. Cụm di tích Tiên Lục là một quần thể di tích hoàn chỉnh và nằm trong một không gian thoáng đãng, thơ mộng của một vùng trung du tràn đầy sức sống. Cụm di tích Tiên Lục gồm có: Cây Dã Hương ngàn năm tuổi, đình Viễn Sơn(đình Giữa) chùa Quang Phúc, đền Thánh Cả(đền Tiên Lục), đình Thuận Hoà(đình Cây Bàng). Năm 1989 toàn bộ cụm di tích Tiên Lục đã được Nhà nước công nhận là di tích Kiến trúc- Nghệ thuật cấp quốc gia.
Điểm đến thứ nhất là Cây Dã hương và Đình Viễn Sơn: Có lẽ khi nói tới cây cổ thụ ở Việt Nam thì không thể không nói đến cây Dã hương của Xã Tiên Lục huyện Lạng Giang tỉnh Bắc Giang. Đây là một cây đại thụ đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Theo lời kể của các cụ cao niên trong thôn và căn cứ theo các cứ liệu lịch sử thì cây đã có cách chúng ta một ngàn năm về trước. Cây Dã hương mọc trên sườn đồi ở đầu xóm Tây và nằm kề ngay đình Viễn Sơn tạo nên một bức tranh phong cảnh của một làng quê đầy cổ kính. Cây Dã hương Tiên Lục là biểu tượng cho một sức sống trường tồn của dân tộc, cây Dã hương quanh năm xanh tốt, người ta ví màu xanh đó như là lá phổi của Tiên Lục, những tán lá rộng như những bàn tay che chở cho người con Tiên Lục. Đặc biệt khi xuân về cây lại cho hoa cho lộc, chim chóc từ mọi nơi bay về nô đùa, trú ngụ rồi làm tổ ấm trên cây. Nếu ai đó muốn tận hưởng hương thơm của loài hoa Dã hương thì hãy đến đây vào ban đêm, khi màn đêm buông xuống là lúc hoa dã hương bắt đầu toả hương thơm ngát làm đắm say lòng người.
Có thể nói cây Dã hương Tiên Lục chính là một phần của sắc hương Việt Nam. Con đường từ Vôi đến Tiên Lục là do thực dân Pháp mở ra nhằm phục vụ cho nhu cầu thăm quan cây dã. Trong ngọc phả cho biết cây dã hương đã nhận được sắc phong do Vua Cảnh Hưng ban tặng là “Quốc chúa đô mộc đại vương” có nghĩa là cây Dã lớn nhất nước. Năm 1938 cây dã hương đã được Trường Viễn đông Bắc cổ xếp vào loại cây cổ thụ hiếm có của Bắc Kỳ. Ngoài ra cây Dã hương Tiên Lục còn được ghi trong cuốn Bách khoa toàn thư của Pháp là một trong những cây lâu đời nhất thế giới ( theo tư liệu lý lịch di tích của Ban Quản lý Di tích Bắc Giang). Cây Dã hương là hình ảnh rất đỗi quen thuộc của dân làng Tiên Lục gợi nhớ đến quê hương đất nước “ cây đa, bến nước, sân đình” nếu một ai đó đi xa quê hương khi về đến đầu làng nhìn thấy cây Dã hương là ký ức về một làng quê, ký ức về thủa thơ ấu lại tràn về.
Đình Viễn Sơn: đình Viễn Sơn thuộc thôn Giữa, đình toạ lạc trên một sườn đồi thấp kế sát ngay bên là cây Dã Hương cổ thụ làm toát lên vẻ đẹp hài hoà của một không gian cổ kính, giữa cái vật chất hữu hình do con người tạo ra và giữa cái tự nhiên của thiên nhiên ban tặng. Đình Viễn Sơn được xây dựng vào thế kỷ XVIII (thời Lê), đình thờ 2 vị thành hoàng làng là Cao Sơn và Quý Minh. Theo sự tích thì đây là hai vị tướng từ thời Vua Hùng, hai vị đã có công trong các cuộc đánh giặc ngoại xâm đem lại sự yên bình cho đất nước, khi 2 vị thác đi luôn hiển thánh và phù hộ cho dân làng, xã tắc được an lành no ấm.
Đình Viễn Sơn được xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ công chia thành 3 phần chính gồm có toà tiền đình, hậu cung và đình hậu. Đình Viễn Sơn là một ngôi đình có quy mô không lớn nhưng thay vào đó là sự nổi bật của nghệ thuật chạm khắc trong toàn bộ nội thất ngôi đình, đặc biệt là nghệ thuật chạm khắc ở phần tiền đình. Tất cả hệ mái bao gồm các vì nóc, vì nách, đầu dư, cột cái, cột quân …đều được làm bằng gỗ lim chắc khoẻ. Các đề tài chạm khắc thể hiện trên trong nội thất ngôi đình cũng được các cổ nhân chạm khắc công phu kỹ càng đến từng chi tiết nhỏ và thực sự đã thổi hồn vào thớ gỗ tạo nên một không gian thiêng cho di tích. Bên cạnh đó tại đình Viễn Sơn vẫn lưu giữ được các đồ thờ có giá trị lịch sử và giá trị kiến trúc nghệ thuật như: kiệu, ngai thờ, bộ bát biểu, kiếm gỗ, nồi hương, mâm đồng…
Điểm đến thứ hai là Chùa Quang Phúc và Đền Thánh Cả: Chùa Quang Phúc và đền Thánh Cả toạ lạc trên đỉnh đồi thông. Đây là 2 di tích có vị trí nằm ở trung tâm của xã Tiên Lục và ngoảnh hướng Nam. Chùa Quang Phúc được xây dựng từ thế kỷ thứ XVIII(khoảng thời Lê- Mạc), chùa được xây dựng trên quy mô rộng và có kết cấu kiến trúc liên hoàn, toàn bộ tổng thể ngôi chùa gồm có 35 gian, chùa được làm theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc. Toàn bộ phần tiền đường, hai dãy hành lang, gác chuông nối lại thành hình chữ quốc, phần còn lại là toà thiêu hương nối với thượng điện thành hình chữ công. Chùa Quang Phúc với chức năng chính là thờ phật, hiện nay trong chùa còn lưu giữ được nhiều pho tượng cổ quý giá, hệ thống tượng phật trong chùa Quang Phúc được bày đặt hợp lý và hoàn chỉnh, tượng phật được xắp xếp thứ tự từ thượng điện đến 2 dãy hành lang và bên dưới gác chuông, tất cả có khoảng 90 pho tượng. Với những giá trị nổi bật về kiến trúc của ngôi chùa cùng với hệ thống tượng phật đã tạo cho chùa Quang Phúc thêm phần thiêng liêng cổ kính. Nếu du khách đứng giữa chùa quan sát, chiêm ngưỡng các pho tượng cổ du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên và thán phục trước nghệ thuật tạc tượng hết sức điêu luyện của các tiền nhân, càng ngắm nhìn du khách sẽ ngỡ như mình đang được quay lại với những thời kỳ đã qua, thời kỳ đã cách chúng ta gần 300 trăm năm lịch sử. Hiện nay tại chùa Quang Phúc vẫn còn lưu giữ được một số di vật, cổ vật sau: thống, đôi lộc bình, hoành phi…
Cùng toạ lạc trên đồi Thông là đền Thánh Cả (đền Tiên Lục), đền nằm cách chùa quang Phúc khoảng 30m. Đền Thánh Cả cho đến nay vẫn chưa rõ niên đại xây dựng vào thời gian nào. Đền là nơi thờ 2 vị thần Cao Sơn và Quý Minh và có sắc phong do Vua Lê Cảnh Hưng ban tặng. So với các di tích khác trong cụm di tích Tiên Lục thì đền Thánh Cả có quy mô xây dựng khiêm tốn nhất, nhưng đền Thánh Cả cũng là một phần không thể thiếu được trong cụm di tích Tiên Lục, đền xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ đinh toà tiền tế gồm 3 gian kẻ truyền, phần hậu cung gồm 2 gian. Hiện nay đền Thánh cả còn lưu giữ được các di vật như: kiệu rước, hương án, cây đèn đồng, nồi hương, quán tảy…
Điểm đến thứ ba là Đình Thuận Hoà: Đình Thuận Hoà hay còn được nhân dân trong vùng quen gọi là đình Cây Bàng. Đình toạ lạc trên một khu đất rộng và bằng phẳng kế sát ngay đình là cây bàng cổ thụ um tùm quanh năm toả bóng mát, phía trước đình là đường 295 Vôi-Tiên Lục, đình cách đồi thông chừng hơn 100m. Đình Thuận Hoà được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVIII, đình thờ 2 vị thành hoàng làng là Cao Sơn và quý Minh. Đình Thuận Hoà có lối kiến trúc hình chữ đinh gồm 5 gian đại đình và 3 gian hậu cung. Cũng giống như đình Viễn Sơn, toàn bộ hệ mái của ngôi đình Thuận Hoà được làm bằng gỗ lim chắc khoẻ, các đề tài chạm khắc được bàn tay của các nghệ nhân thể hiện một cách hết sức tài tình khéo léo điều đó được thể hiện ở trên các vì nóc, vì nách, các bức cốn mê, đầu dư… của ngôi đình. Hiện nay trong đình còn lưu giữ được nhiều đồ thờ có giá trị lịch sử như: 06 sắc phong thời Nguyễn, 03 ngai thờ, 01 bát hương thời Nguyễn…
Đến với Tiên Lục du khách không những được tham quan các di tích mà du khách còn được tìm hiểu về lễ hội truyền thống đặc sắc của người dân Tiên Lục. Lễ hội Tiên Lục là một lễ hội lớn của huyện Lạng Giang thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương về dự. Lễ hội Tiên Lục được tổ chức một năm 4 lần vào 9/1 Âm lịch, 20/5 Âm lịch, 20/8 Âm lịch và 20 tháng 11 Âm lịch hàng năm. Lễ hội Tiên Lục diễn ra ở 4 khu vực chính là đình Viễn Sơn, chùa Quang Phúc, đền Tiên Lục và nhà Thảo Xá. Trong phần lễ có phần tế lễ, khai thanh, tranh chiêng, tranh chống, yết lễ đền… trong phận hội có nhiều trò trơi dân gian độc đáo như đu, kéo co, chọi gà, cướp cầu. Đặc biệt trong các trò chơi được tổ chức trong lễ hội Tiên lục có trò chơi “cướp cầu” thể hiện tính cộng đồng đoàn kết của người dân và còn thể hiện tư duy tín ngưỡng nông nghiệp của nhân dân Tiên Lục mong mùa màng được bội thu, nhân dân được no ấm, trẻ lớn ra, già trẻ lại…
Tựu chung lại sau khi du khách thăm quan cây Dã hương ngàn tuổi cùng các di tích Kiến trúc- Nghệ thuật và được tìm hiểu về những lễ hội truyền thống trên mảnh đất Tiên Lục đã cho du khách thấy được toàn bộ những giá trị về sinh thái, lịch sử văn hoá, Nghệ thuật kiến trúc của toàn bộ di tích trong cụm di tích Tiên Lục. Khi ra về chắc hẳn mỗi du khách sẽ còn ấn tượng mãi với hình ảnh cây Dã ngàn năm tuổi đang rủ bóng xuống ngôi đình Viễn Sơn, hình ảnh đồi thông xanh thắm đang vươn mình tô điểm cho chùa Quang Phúc, hình ảnh đầu đao cong vút của đình Thuận Hoà đang lấp ló dưới tán cây bàng cổ thụ...