Cát Bà: Hòn ngọc vịnh Bắc bộ
Từ bến Bính, thành phố Hải Phòng, chúng tôi đón tàu cao tốc đi Cát Bà. Theo kinh nghiệm của những người đã từng đến Cát Bà, đi tàu cao tốc thuận tiện và nhanh hơn đi ô tô vì đường bộ phải qua hai lần phà: phà Đình Vũ nối Hải Phòng với đảo Cát Hải và phà Bến Gót nối đảo Cát Hải với đảo Cát Bà.
Hơn một giờ lênh đênh trên biển cũng là khoảng thời gian thú vị để du khách ngắm cảnh trời mây non nước và tìm hiểu trước về đảo qua câu chuyện của những người đồng hành. Tương truyền rằng tên Cát Bà là đọc trại đi của “các bà”, bởi xưa kia đảo này là hậu phương để phụ nữ nuôi trồng, lo việc hậu cần, cung cấp lương thực cho nam giới đánh giặc ở đảo lân cận- đảo Các Ông. Có lẽ vì vậy, ở thị trấn Cát Bà hiện nay còn đền Các Bà.
Buổi sáng đầu tiên ở đảo, chúng tôi quyết định khám phá vịnh Lan Hạ nằm ở phía Đông
Đảo Khỉ khá hấp dẫn nhưng du khách cũng không nên dừng chân quá lâu bởi vịnh Lan Hạ còn rất nhiều điều thú vị để khám phá. Thời gian đi thuyền trên vịnh, du khách sẽ thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của những đảo đá vôi. Mỗi đảo mang một vẻ khác lạ nhưng tất cả đều để lại ấn tượng khó quên. Trời dần về chiều, khi chúng tôi đã bắt đầu thấm mệt thì chủ tàu ghé vào một vịnh nhỏ, thả neo và mang cần câu ra để khách thưởng thức thú câu cá trên biển. Mọi người đua nhau hò reo, giành mồi câu, tranh vị trí đắc địa... Nước biển trong có thể thấy cá lội tung tăng nhưng để câu dính cá thì không phải là chuyện dễ. Câu chán, cũng vừa lúc các món nhắm đã được bưng ra: ngao luộc dứa, bề bề (tôm tích) rang me, mực hấp gừng... Thật khó mà quên được ấn tượng của buổi hoàng hôn trên vịnh Lan Hạ: những tia nắng cuối ngày như bừng cháy lên mãnh liệt, giữa tiếng ghi-ta bập bùng, nhấp từng ngụm rượu, thưởng thức những món hải sản vẫn còn nồng đượm hương vị của biển cả.
Ngày thứ hai, chúng tôi quyết định lên rừng. Rừng Cát Bà được công nhận là vườn quốc gia từ năm 1983. Từ thị trấn Cát Bà, chỉ vài chục phút đi xe là đã đến cửa vườn. Tại đây, du khách có thể tìm hiểu những thông tin giới thiệu về Vườn Quốc gia Cát Bà cũng như chiêm ngưỡng những hình ảnh, mẫu vật của vườn được tìm thấy qua các chuyến khảo sát, nghiên cứu của các nhà khoa học. Đi bộ xuyên rừng là một trải nghiệm thú vị đối với du khách nhưng đòi hỏi phải có đôi chân thật khỏe để chinh phục hơn 10 cây số đường rừng. Bù lại, chuyến đi bộ đã cho chúng tôi được tắm mình trong không khí trong lành của núi rừng, hít hà hương rừng ngai ngái, nghe tiếng lá cây xào xạc, tiếng chim hót ríu ran và tận mắt ngắm nhìn những cây cổ thụ cao to, rừng kim giao, hồ trên núi, những con suối len lỏi giữa rừng...
Vườn Quốc gia Cát Bà là một bảo tàng thiên nhiên, nơi lưu giữ nguồn gien của nhiều loài động thực vật quí hiếm. Ở đây, có thể tìm thấy các loại cây quí như: Lát Hoa, Kim Giao (loại cây lá cứng, chỉ có ở vùng khí hậu ôn đới), Đinh,... Theo các tài liệu nghiên cứu, rừng Cát Bà có nhiều loại chim quí hiếm, đặc biệt là Cao Cát mà dân trong vùng gọi là Phượng hoàng đá. Ngoài ra, rừng còn có khỉ mặt đỏ, khỉ mặt vàng, hoẵng, rái cá... Quý nhất có lẽ là loài voọc đầu trắng được ghi danh vào sách đỏ của thế giới. Theo điều tra mới nhất, trên đảo Cát Bà chỉ còn khoảng 200 con voọc đầu trắng. Chúng thường sống ở các vách đá cheo leo ven biển. Trong hành trình xuyên rừng, du khách còn có thể chinh phục rừng Kim Giao và núi Ngự Lâm. Những điểm này, địa hình hiểm trở, đường đi khó khăn là những cản ngại dễ làm nản lòng du khách. Thế nhưng, đó là những thử thách hết sức thú vị bởi không thể nào tả được cảm giác đứng giữa mây trời và gió biển trên đỉnh núi Ngự Lâm hít căng lồng ngực vị nắng, vị gió của Cát Bà.