Lễ hội làng Vai (Hòa Bình)
Ngày hội truyền thống của làng bắt đầu từ ngày 11 đến hết ngày 13/11 hàng năm tại đình và đền làng Vai. Hội làng là dịp để nhân dân làng Vai tỏ lòng thành kính và nhớ ơn Tam vị Tản Viên Sơn và Cảnh Tiên Công chúa, cảm ơn các vị thần linh đã phù hộ cho họ một năm yên bình, ấm no, hạnh phúc. Ngày này, những người con của làng dù đi đâu xa cũng về ngày hội truyền thống của làng còn là dịp để mọi người đoàn tụ, thắt chặt tình người, tình quê hương, làng xóm.
Hội được chia làm hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ được tiến hành uy nghi, trang trọng, những nghi thức trong phần lễ vẫn được người dân truyền giữ, vun đắp từ đời này sang đời khác, phần hội đã bị mai một đi nhiều. Làng Vai gồm có 2 giáp, được chia làm giáp trong và giáp ngoài, đứng đầu mỗi giáp có giáp trưởng, trong ngày 11, dân làng tổ chức đưa kiệu đến nhà trưởng hàng giáp để rước sắc về đình thờ. Đi đầu là kiệu đặt bài vị của thần thành hoàng làng, đi sau là kiệu hoa quả, xôi, gạo, bánh chưng…. Đi sau cỗ kiệu có tàn lọng, đao, mũ, bia rất long trọng. Đi trước kiệu có đội múa sinh tiền, rồng bay, phượng múa có gươm trùng, bát bửu, bát tiên hai hàng uy nghi.
Sau khi rước sắc về đình thờ, dân làng lại tổ chức rước cỗ (gọi là cỗ đốn) của các gia đình có cụ cao tuổi hoặc những người có chức sắc trong xóm đến đình thờ và tổ chức thi cỗ, cỗ nhà ai to nhất, ngon nhất, đẹp nhất được đặt ở bàn thứ nhất và cứ như vậy, cỗ nhà ai kém hơn thì đặt ở bàn nhì, bàn ba.
Ngay trong buổi chiều ngày 11, khi các nghi thức của buổi lễ đang tiến hành thì các hoạt động vui hội cũng được bắt đầu ở sân nhà văn hóa của làng nằm phía sau đình. Các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt bắt dê, đánh cờ người, tổ chức giao lưu bóng chuyền giữa các đội bóng trong xã… Buổi tối dân làng tổ chức biểu diễn và giao lưu văn nghệ giữa các đội văn nghệ ở các vùng lân cận với các chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ và tình yêu quê hương đất nước đổi mới.
Ngày 12 là ngày chính hội. Buổi sáng tổ chức rước cỗ lễ hàng giáp về đình thờ. Ngày này, cả dân làng tập trung đông tại đình làng để tham dự lễ hội. Trong buổi lễ, ông lang (ông Từ) làm chủ tế. Sau buổi lễ lý trưởng (trưởng thôn) đọc hương ước của làng để nhân dân nghe và thực hiện trong năm mới. Buổi chiều tiếp tục mở hội , thanh niên nam nữ trong làng tổ chức các trò chơi như buổi chiều ngày 11 và kết thúc vào ngày 13.
Sự ấm áp trong những ngày hội làng với lưu giữ nét đẹp văn hóa đặc sắc cổ truyền là những bài học lịch sử thực tế, hiệu quả nhất cho thế hệ trẻ, cũng là dịp để nhân thêm niềm tự hào, tự tôn dân tộc, giáo dục con cháu nhớ về quê hương, nguồn cội. Hội làng Vai đã trở thành một nét đẹp văn hóa giàu ý nghĩa, như một mạch ngầm chảy mãi, bừng lên sức sống, bản sắc của quê hương làng Vai.