Non nước Việt Nam

Nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày vùng cao Bắc Hà (Lào Cai)

Cập nhật: 22/12/2010 09:12:50
Số lần đọc: 1704
Nói đến du lịch văn hóa Bắc Hà, phải nhắc tới vùng văn hóa đồng bào Tày xã Tà Chải và Na Hối nổi tiếng với lễ hội Lồng Tồng và điệu xòe sôi động mang đậm nét văn hóa dân tộc vùng cao. Trong những năm qua, điệu xoè đã được quan tâm bảo tồn, phát triển và trở thành nét văn hoá truyền thống cũng như là thế mạnh để Bắc Hà khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.

Để tìm hiểu về những nét đẹp văn hoá trong các điệu xoè truyền thống và lễ hội, chúng tôi tới thăm gia đình ông Vàng Văn Sương, thôn Na Hối Tày, xã Na Hối. Là người sinh ra và lớn lên trên quê hương có điệu xoè truyền thống, ông lại có nhiều năm giữ cương vị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã nên có điều kiện để tìm hiểu về nét đẹp văn hoá truyền thống trong các điệu xoè của dân tộc mình. Ông cho biết: Lễ hội Lồng Tồng và các điệu xoè không biết ra đời từ bao giờ, chỉ biết rằng, tương truyền từ ngày xưa ở xã Tà Chải và Na Hối bây giờ có rất nhiều người sinh sống và làm nghề nông... Thế rồi vào năm nọ, cây lúa lớn lên cứ lép trắng bông, còn ngô thì không được thu hoạch. Không ít người đã bỏ đất này đi nơi khác, còn người Tày vẫn không muốn rời xa làng bản thân yêu của mình. Họ đã cùng nhau góp một mâm cơm để cúng thần linh, cầu được qua thiên tai, dịch bệnh, để mùa màng được bội thu... Chẳng biết có phải lời cầu xin của dân làng linh ứng tới các vị thần hay không, mà mùa sau lúa, ngô đầy nhà, quả sai trĩu cành. Người dân mở hội ăn mừng, khi tiếng chim, tiếng trống và tiếng kèn Pí Lè vang lên rộn rã trong không khí tưng bừng, náo nhiệt, thì không ai bảo ai cùng nắm tay nhau thành vòng tròn, nhảy múa và họ bật lên câu hát:

 

Xòe... xòe... Cây lúa thành bông

Xòe... xòe... Cây ngô thành bắp

Xòe... xòe... Trai gái thành đôi

 

Và lễ hội Lồng Tồng cùng các làn điệu xòe của người Tày ra đời từ đó.

 

Cho đến bây giờ, Lồng Tồng là lễ hội lớn nhất của đồng bào Tày ở Tà Chải và Na Hối. Đây là lễ hội cúng thần nông của đồng bào. Trong ngày hội, phần lễ tương đối đơn giản. Giữa bãi rộng, người ta dựng một cây nêu bằng cây bương to, có gắn một vòng tròn dán giấy đỏ (biểu tượng mặt trời). Dưới chân cây nêu là những mâm lễ của làng và của các gia đình thành kính dâng lên cúng thần, báo cáo thành quả trong một năm lao động sản xuất, cảm ơn thần nông đã phù hộ, mời thần về dự hội với con cháu; cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi...

 

Một hoạt động không thể thiếu trong ngày hội Lồng Tồng là tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác, nam nữ đều hoà mình vào điệu xòe truyền thống trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn rộn rã. Trong phút thăng hoa của vũ điệu truyền thống, mọi người ào vào vòng xòe tìm bạn. Tay trong tay, mắt trong mắt, từ một vòng xòe rồi thành hai, ba vòng, hết điệu cấy lúa, gặt lúa, thổi cơm sang điệu hái mận, hái đào, tìm bạn, giã bạn... Kết thúc lễ hội là hội xòe, sau khi đốt một đống lửa to, tất cả mọi người tay nắm chặt tay hòa mình vào điệu xòe.

 

Mở màn là điệu xòe Chinh. Tiếp đến điệu đập lúa, ý nói những đồng lúa vàng óng ả, hạt mẩy như ong, chỉ chờ những bàn tay khoẻ mạnh của chàng trai tài cùng những cô gái đảm thu hoạch nhanh. Vì thế vòng xòe phải dồn dập, náo nhiệt. Tiếp theo là điệu xòe chàng trai dắt cô gái đón xuân, vòng xòe lúc này rộng ra và nhịp điệu gấp gáp hơn. Từng đôi, từng đôi, dắt tay nhau đi trong nhịp xòe rộn rã tiếng chiêng và kèn Pí Lè. Mắt trong mắt, tay trong tay, họ không muốn rời nhau. Quen nhau rồi, phải tìm nơi tâm tình để thổ lộ tình cảm và chàng trai rủ cô gái ra bờ suối để bắt cá. Đó chính là điệu xòe mò cá - vòng xòe này cứ đều đều xoay tròn khi chụm vào, khi tan ra, như lời thủ thỉ của chàng trai, còn cô gái dẫu biết là nhận lời nhưng vẫn ra vẻ thẹn thùng, e ngại với điệu nguẩy lưng. Lúc vòng xòe được nới rộng ra, người con gái ý nhị đập tay vào lưng người con trai  mình mến, như nhắn gửi, anh đừng quên đường vào mùa xòe năm sau nhé! Hiện nay, xòe không chỉ rừng lại ở năm điệu xòe gốc mà còn phát triển phong phú, đa dạng hơn như điệu xòe cờ (cầm cờ), diễn tả hình ảnh nhân dân đón mừng bộ đội về làng trong niềm vui giải phóng, rồi các loại xòe trong ngày lễ hội khác như: xòe nón, xòe khăn, xòe quạt...

 

Xòe Bắc Hà là một trong những di sản văn hoá đang được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Khách quốc tế mỗi lần đến với Bắc Hà thường có nhu cầu tìm hiểu về nguồn gốc của điệu vũ này. Cùng với việc thực hiện đề án phát triển du lịch của huyện giai đoạn 2010 - 2015, xòe Bắc Hà được xác định là một trong những mục tiêu phát triển để thu hút khách du lịch.

 

Với những hoạt động phong phú, hấp dẫn, lòng mến khách của đồng bào các dân tộc Tày cùng với những nét đẹp trong lễ hội Lồng Tồng đã thu hút du khách và các nhà đầu tư đến với cao nguyên trắng, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn với phát huy, bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống trên quê hương vùng cao Bắc Hà.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT