Lễ hội cầu mùa của người Dao đỏ ở Lào Cai
Già làng, trưởng bản, các thầy mo cùng bà con trong làng họp bàn chuẩn bị cho lễ cúng như: chọn thầy cúng, địa điểm, ngày cúng... Lễ cúng được tổ chức vào ngày thìn, sửu vì theo quan niệm của người Dao đỏ, tổ chức lễ cúng vào ngày này, làng bản luôn gặp nhiều may mắn. Lễ cúng diễn ra trên một khu đất đai bằng phẳng, ở một khu ruộng hoặc trên một quả đồi, nơi có không gian thoáng đãng, thuận lợi cho việc tổ chức.
Ngày lễ chính, các gia đình trong làng góp tiền mua sắm lễ vật gồm: xôi, lợn, gà, giấy tiền, vàng hương để cầu mong các vị thần tiên trên trời, dưới đất phù hộ cho dân làng có cuộc sống yên ổn, ấm no, thịnh vượng. Lễ vật dâng cúng các vị thần được dân làng bày thành từng mâm được các thanh niên mang đến địa điểm tổ chức. Mâm cúng chính đặt ở giữa gồm: một con lợn, xôi (xôi có bốn màu), gà (phải là gà trống), 5 chiếc chén, 1 chai rượu, 1 bát gạo và hai đồng bạc trắng để cúng sư phụ của người thầy, một bát nước để các vị thần về dự rửa tay. Một mâm cúng phụ bên cạnh đặt các giống như: lúa, ngô, sắn, hạt cải, hạt mướp, hạt đậu tương… của các gia đình mang đến để nhờ thầy cúng gọi hồn lúa về nhập vào các hạt giống này.
Tiếp đó, hai mâm cúng khác được đặt hai bên, trong đó một mâm cúng gọi hồn lúa gồm có: 5 chiếc chén, 1 chai rượu, 1 ống hương, 1 bát nước, 1 bát bánh trôi, 9 quả trứng gà và giấy tiền. Bánh trôi "dùa chíu" được bỏ vào bát, sau đó người ta cho 7 hoặc 9 quả trứng gà vào bên trong, rồi úp con gà lên trên tựa như con gà đang ấp trứng, vì theo quan niệm của người Dao đỏ nó mang ý nghĩa tượng trưng cho bồn thóc lúa của gia đình lúc nào cũng nhiều, cũng đầy, luôn sinh sôi nảy nở. Mâm cúng thứ ba là dành riêng cho ma đói, ma khát, ma đường, ma chợ không có người thờ tự, ma rừng, ma suối.
Sau khi lễ vật được chuẩn bị xong, thầy cúng mặc bộ trang phục có thêu hình con công, con phượng, con rồng, đầu vấn khăn đỏ thể hiện phong thái uy nghi, ông châm ba nén hương cắm đều vào ba mâm, vái ba vái, miệng lẩm nhẩm đọc văn cúng cầu mong các vị thần tiên trên trời, dưới đất phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, cây trồng phát triển tươi tốt, không bị thiếu nước, không bị mưa nhiều, cho mùa màng bội thu, dân bản có cuộc sống no đủ, bình yên. Sau khi cầu xong, thầy cúng đốt tiền cho các vị thần, đưa các vị thần đến chợ cõi âm, chợ cõi âm có 18 phố phường để các thần linh mua chè, mua nước, mua rượu, mua thịt, mua giày, mua dép, mua quần áo… rồi đưa các vị thần, các cụ tổ tiên về nhà. Sau đó, mọi người cùng nâng chén, chúc mừng một mùa vụ mới với nhiều may mắn, chúc cho mưa thuận, gió hoà, cây cối tốt tươi, cho nhiều bông, nhiều quả, lợn, gà đầy chuồng, thóc lúa đầy bồ, làng bản yên vui.
Trước đây, "trầu sun" chỉ là một nghi lễ cúng cầu mùa diễn ra ở phạm vi một làng, thì nay đã phát triển và mở rộng thành một lễ hội lớn của người Dao đỏ. Bên cạnh các nghi lễ thờ cúng còn có các hoạt động biểu diễn văn hoá, văn nghệ truyền thống như: đẩy gậy, ném còn, bắn nỏ... đã đáp ứng được phần nào nhu cầu thưởng thức văn hoá, văn nghệ của đồng bào, tạo không khí vui tươi, hào hứng cho mọi người trong bản trước khi bước vào mùa vụ mới./.