Lễ hội dân gian Rija Nưgar của người Chăm
Bản thân nó là Tết, tựa Tết Nguyên đán của dân tộc Kinh, chứa đựng hầu hết những ý nghĩa tốt đẹp mà tất cả cộng đồng mong muốn được phồn thịnh về mọi mặt trong cuộc sống. Lễ hội tiễn đưa và thánh tẩy năm cũ, đón mừng, có tổ chức hát ca chúc tụng năm mới, gắn với nghi thức tôn giáo long trọng, linh thiêng và man mác thiền vị. Nó còn là "cánh cửa" đầu tiên mở ra một năm mới may mắn, lí tưởng, thuận hoà trời đất.
Do người Chăm sinh sống phân lập theo đơn vị tên làng, tôn giáo nên công tác tổ chức, thời gian, địa điểm hành lễ cũng khác nhau. Tuy nhiên, lễ hội vẫn nằm vào hạn mức trong một tuần, hoặc có vài làng Chăm ở Bình Thuận, cá biệt tổ chức lễ hội trong tháng Giêng. (Tháng Giêng theo lịch Chăm tương đương tháng Tư dương lịch.)
Tục ngữ Chăm có câu: vào gà ra ngạnh. Ngày vào thường làm thịt gà. Ngày ra thường làm thịt dê để dâng cúng. Ngoài ra, còn nhiều loại bánh tự làm theo kiểu Chăm, và trái cây miệt vườn đủ loại.
Trầm và nước cát lồi là hương liệu chủ yếu trong lễ, bên cạnh đó còn có bông phượng ta. Trầm để tẩy uế và xông thơm rạp lễ, làm tăng thêm không khí linh thiêng của lễ. Cát lồi là một loại đất giống đất sét, màu trắng, khi hoà trong nước lã, có thể tẩy sạch các vết bẩn. Người Chăm thường dùng cát lồi để làm phép tẩy uế trước khi vào rạp lễ hoặc thánh đường. Tắm tượng, tắm kút cũng phải dùng nước cát lồi.
Nhân vật trung tâm của cuộc lễ là ong ka - ing, một vũ sư nhảy múa. Trong suốt cuộc lễ, ông chủ lễ hát từ mười đến mười hai bài tụng ca hay bài ca lịch sử khác nhau. Các nhạc công, vũ sư đệm nhạc và biểu diễn theo tinh thần nội dung bài hát. Bài tụng ca này tiếp nối bài tụng ca kia tạo nên nét phong phú, đa dạng.